Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Vận dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) trong định hướng chính sách bảo vệ môi trường các làng nghề

04/09/2024

Tóm tắt:

    Làng nghề là hình thức đặc thù của nông thôn Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế của đất nước, các làng nghề cũng phát triển, tuy nhiên, quy mô mở rộng dẫn đến phát sinh chất thải làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, việc quản lý và xử lý chất thải tại các làng nghề vẫn còn nhiều bất cập. Do vậy, để hỗ trợ giải quyết vấn đề này, cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) được xem như là phương thức trao đổi và thỏa thuận giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, từ đó phát hiện ra nhiều giá trị có thể đóng góp cho xã hội, đồng thời tích hợp được trong quá trình dự báo các vấn đề cần thảo luận, đề xuất chính sách thành một quá trình tổng hợp, liên ngành. Cách tiếp cận dự báo dài hạn này có thể hỗ trợ công tác dự báo trong xây dựng chiến lược môi trường nói chung cũng như xây dựng chiến lược, chính sách BVMT làng nghề nói riêng. Theo đó, các vấn đề về giải quyết ô nhiễm môi trường của các làng nghề cần được tích hợp ngay trong quá trình thảo luận, đánh giá, phân tích, đề xuất chiến lược, chính sách phù hợp. Bài viết đề cập: (i) Ô nhiễm tại các làng nghề hiện nay tác động đến môi trường nông thôn ở Việt Nam; (ii) Đề xuất những lợi thế khi áp dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) trong việc hình thành, xây dựng chính sách dài hạn về phát triển bền vững và BVMT ở các làng nghề.

Từ khóa: Dự báo dài hạn, bảo vệ môi trường, làng nghề.

Ngày nhận bài: 15/7/2024; Ngày sửa chữa: 10/8/2024; Ngày duyệt đăng: 21/8/2024.

Foresight approach in orienting policies for environmental protection of craft villages

Abtract:

    Craft villages are a unique form of rural. Along with the country’s economic development, craft villages also develop, however, their expanding scale leads to waste generation, increasing environmetal pollution. Over the past time, the management and treatment of waste in craft villages still has many inadequacies. Therefore, to support solving this problem, the foresight approach is considered as a method of exchange and agreement betweeen different sectors of society, thereby discovering many values that can contribute to society, and at the same time intergrating them in the process of foresight issues to be discussed, propose policies into an integrated, interdisciplinary process. The foresight approach can support forecasting in the development of environmental strategies in general as well as the development of strategies and policies for environmental protection of craft villages in particular. Accordingly, environmetal pollution of craft villages need to be integrated right in the process of discussion, evaluation, analysis, and proposal of appropriate strategies and polices. The paper mentions: (i) Pollution in craft villages currently affects the rural environment in Vietnam; (ii) To propose advantages in applying the foresight approach in the formulation of long-term polices on sustainable development and environmental protection in craft villages.

Keywords: Foresight, environmental protection, craft villages.

JEL Classifications: K32, Q53, 013.

1. Mở đầu

    Việt Nam đang diễn ra những biến động mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và đã có nhiều tác động đến môi trường. Một mặt, Chính phủ chịu nhiều sức ép, bao gồm tăng trưởng kinh tế suy giảm, đặc biệt bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, gia tăng dân số, dân số già hóa nhanh chóng, niềm tin vào khả năng quản lý của chính quyền địa phương nhiều nơi đang bị suy giảm… Khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu, quá trình số hóa nền kinh tế và xã hội diễn ra nhanh chóng, chiến tranh đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới cho thấy một viễn cảnh tương lai sẽ khác rất nhiều so với dự báo trước đây.   

    Từ những thay đổi về môi trường thời gian qua, các nhà hoạch định chính sách dựa trên quan điểm về phát triển bền vững lập ra mục tiêu và kế hoạch hành động quốc gia. Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu ở hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai..." (Debra Lam, 2014). Tuy nhiên, phát triển bền vững là một khái niệm khá phức tạp do đặt ra mục tiêu đáp ứng nhu cầu của tất cả những người đang sống ngày nay và trong tương lai, trong khi đó tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân tạo con người có thể khai thác được là có giới hạn bởi sự hữu hạn vốn có ban đầu của phần lớn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và khả năng khai thác tìm kiếm mới, sử dụng hiệu quả của con người cũng có giới hạn.

    Phân tích một cách có hệ thống dựa trên nhìn nhận những vấn đề bất cập về môi trường là cần thiết. Thông qua việc hiểu rõ mối tương tác của các tác nhân trong hệ thống xã hội của nhiều bên đa chức năng, liên ngành với nhau có thể giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách phân định rõ hơn vấn đề đang có, những thay đổi và biến đổi diễn ra trong hệ thống và của hệ thống với yếu tố bên ngoài sẽ giúp cho định hướng được những vấn đề cần giải quyết của chính sách. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách luôn có nhu cầu được dự báo dài hạn để hình dung được những biến động, kịch bản trong tương lai, từ đó đề xuất được các phương án ưu tiên phù hợp với chính sách (Nguyễn Văn Thu, 2001). 

2. Tác động của ô nhiễm tại các làng nghề đến môi trường nông thôn Việt Nam

    Hiện trạng các làng nghề ở Việt Nam

    Năm 2021, theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ TN&MT, cả nước có hơn 4.500 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề được công nhận. Các làng nghề phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền (miền Bắc khoảng 60%, miền Trung 30%, miền Nam 10%). Trong đó, các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, nằm xen kẽ tại các khu dân cư chiếm phần lớn (trên 70%). Các làng nghề được công nhận tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (313 làng), Thái Nguyên (263 làng), Thái Bình (117 làng), Ninh Bình (75 làng), Nam Định (72 làng)... Hoạt động sản xuất chủ yếu tại các làng nghề sản xuất mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt, may, sợi, thêu ren, cơ khí nhỏ, điêu khắc, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (Bộ TN&MT, 2023).

    Các làng nghề đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường. Trong số đó, 3 nhóm làng nghề: tái chế (kim loại, giấy, nhựa…), vật liệu xây dựng và chế biến nông sản, thực phẩm là những nhóm làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao. Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất, phụ gia trong quá trình sản xuất. Nhóm làng nghề thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa) do quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm (Bộ TN&MT, 2023).

    Triển khai Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các làng nghề đã chú trọng công tác BVMT. Tuy nhiên, vẫn còn 28% làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng chưa triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường và còn nhiều làng nghề chưa chuyển vào các cụm công nghiệp…

    Theo Báo cáo Công tác BVMT của Bộ NN&PTNT năm 2020, chỉ có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về BVMT; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%... Thực tế cho thấy công tác BVMT tại các làng nghề ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải. Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan và nhất là gây ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đây là nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường tại các làng nghề (Bộ NN&PTNT, 2021).

    Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm tới vấn đề BVMT. Trong khi hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư cho nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương tại các làng nghề và Trung ương đã đưa ra nhiều biện pháp áp dụng nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn (Bộ TN&MT, 2023, 2020).

    Một số giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề

    Một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề nặng nề nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Theo các chuyên gia, để khắc phục thực trạng này, ở các làng nghề cần có nhiều biện pháp về chính sách, công nghệ, cũng như khoản kinh phí khá lớn. Ngoài ra, việc kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải cũng cần được quan tâm đẩy mạnh.

    Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT năm 2020, giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý nước thải làng nghề ở Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình huống. Trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ, nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường. Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm tới trạm ngắn. Từng trạm sẽ có những công nghệ xử lý khác nhau, tạo thêm cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp với từng khu vực, đồng thời có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác BVMT (Bộ NN&PTNT, 2021).

    Về tổng thể các giải pháp BVMT làng nghề, các chuyên gia khuyến nghị, cần xây dựng chính sách với quy trình đầy đủ từ công tác dự báo chiến lược, xây dựng kế hoạch, giải pháp đồng bộ, cụ thể như sau:

    Về chính sách quản lý môi trường: (i) Đối với cấp vĩ mô: cần có dự báo, xây dựng chiến lược, chính sách phù hợp sau khi đánh giá được thực trạng; (ii) Đối với cấp vi mô: cần ưu tiên tập trung đối với cấp xã vì đây là cấp quản lý trực tiếp đầu tiên trong hệ thống quản lý môi trường. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như thành lập Quỹ BVMT làng nghề; chính sách giảm thuế, phí đối với làng nghề có chính sách BVMT hoặc đầu tư, hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường.

    Về chính sách quy hoạch: cần gắn quy hoạch không gian làng nghề với BVMT, cụ thể: ưu tiên quy hoạch vào khu công nghiệp làng nghề; quy hoạch các hoạt động du lịch với sản xuất của làng nghề. Đồng thời, trong quá trình quy hoạch phải xây dựng, thiết kế xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ.

    Về chính sách tuyên truyển, phổ biến, giáo dục về BVMT: cần tập trung nội dung tuyên truyền, phổ biến công tác quản lý môi trường của chính quyền xã, thôn đến từng người dân, giúp họ hiểu, nâng cao nhận thức những tác hại môi trường và sức khỏe tại làng nghề, trách nhiệm và sự tham gia của họ cũng như hỗ trợ chính quyền xã trong các hoạt động BVMT làng nghề.

    Tuy nhiên, đến nay, tình hình ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số địa phương yêu cầu doanh nghiệp đang gây ô nhiễm sẽ phải đóng cửa nếu tiếp tục gây ô nhiễm. Tuy nhiên, giải pháp đóng cửa liệu có khả thi, nhất là khi địa phương và các doanh nghiệp cũng như người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19? Chính vì vậy, phục hồi kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung.

    Từ đó có thể thấy, chính quyền các cấp (Trung ương, tỉnh và huyện, xã) đều rất quan tâm để xử lý dứt điểm tình trạng này và có nhu cầu dự báo dài hạn vấn đề, do vậy, cần phải xây dựng được các kịch bản, tìm ra được giải pháp với sự đồng thuận của các bên tham gia thực hiện (Bộ TN&MT, 2020; Bộ NN&PTNT, 2021; Lê Kim Nguyệt, 2012).

3. Cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight)

    Trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng như ngày nay luôn chứa đựng những bất định lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do vậy, các nhà hoạch định chính sách luôn có nhu cầu chuẩn bị để đón trước những bất định này. Cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) được thiết kế nhằm phục vụ cho chính nhu cầu này (Nguyễn Văn Thu, 2001).

    Thuật ngữ dự báo dài hạn (foresight) theo đúng nghĩa khi mới sử dụng là khả năng dự đoán những điều có thể xảy ra hay có thể cần có ở trong tương lai. Cùng với nội hàm này, trong kỹ thuật quân sự, dự báo dài hạn còn có nghĩa là một vật giúp cho nhắm được đích xa. Dự đoán khái niệm này thuần túy được hiểu không chỉ là sự cho rằng mà còn là sự ước đoán một sự việc sẽ xảy ra hoặc là kết quả của sự việc nào đó. Mặc dù là gần nghĩa nhưng thuật ngữ dự báo (hay gọi là dự báo truyền thống) khác ở chỗ là mang tính kỹ thuật hơn, cụ thể là việc tính toán và ước tính cho một sự kiện ở tương lai và thường xuyên được áp dụng trong lĩnh vực thời tiết và xu hướng tài chính (Nguyễn Văn Thu, 2001; Hoàng Thanh Hương, 2018).

    Cũng vì đặc điểm “khả năng nhắm vào đích xa” ở trong tương lai, cũng giống như đích đến của các chính sách, chiến lược và nghiên cứu tương lai nên thuật ngữ dự báo dài hạn theo nghĩa bóng, hàm ý là cách thức được sử dụng cho nghiên cứu về tương lai để xây dựng chính sách từ khá sớm. Từ thế kỷ 19, Samuel Coleridge (1772 - 1834) sử dụng thuật ngữ dự báo dài hạn (foresight) để đặt tên cho cuốn sách của ông xuất bản năm 1861 với ý nghĩa là kỹ năng xây dựng chính sách có thể cho nhiều lĩnh vực khác nhau (Nguyễn Văn Thu, 2001; Hoàng Thanh Hương, 2018).

    Vào những năm 70 của thế kỷ trước, cách tiếp cận dự báo dài hạn đầu tiên được áp dụng trong lĩnh vực phát triển và đổi mới công nghệ nhằm đối mặt với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế mạnh mẽ ở quy mô toàn cầu. Cách tiếp cận dự báo dài hạn được áp dụng cho cả doanh nghiệp đơn lẻ và ngành kinh tế với sự tập trung không chỉ vào công nghệ cụ thể mà còn cả hệ thống thể chế khoa học và công nghệ STI (Science Technology Institutions) hay hệ thống hỗ trợ cho khoa học và công nghệ STS (Science Technology Supports) và ở các quy mô khác nhau, phục vụ mục tiêu ngắn hạn, trung hạn (như chính sách), hay dài hạn (như chiến lược) (Nguyễn Văn Thu, 2001).

    Các nghiên cứu và ứng dụng theo cách tiếp cận dự báo dài hạn đã trải qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên từ những năm 1980 của thế kỷ trước, xuất phát từ nước Anh, với mục tiêu nhằm định hướng và điều chỉnh lại định hướng kế hoạch đầu tư của Chính phủ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở thời kỳ chiến tranh lạnh. Giai đoạn này cách tiếp cận dự báo dài hạn chủ yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Giai đoạn thứ hai vào những năm 1990, cách tiếp cận này nhấn mạnh vào quá trình hợp tác về khoa học và công nghệ với thị trường và quá trình hợp tác này đã mời rất nhiều thành phần khác nhau trong xã hội cùng tham gia như doanh nghiệp, các nhà công nghệ, đặc biệt, có sự tham gia trực tiếp của các nhà hoạch định chính sách, với mục tiêu nhấn mạnh vào vấn đề kinh tế công nghệ là trung tâm (economic paradigm). Những năm cuối của thế kỷ 20 là sự phát triển của giai đoạn thứ ba với mục tiêu tập trung vào việc tìm giải pháp tổng thể và đồng bộ cho các vấn đề xã hội lớn, cấp thiết, như phát triển bền vững đô thị, Trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu, dân số tăng lên và già đi. Do vậy, cách tiếp cận dự báo dài hạn không chỉ giới hạn trong khoa học hay công nghệ mà còn mở ra rộng hơn, mang tính tổng thể bao gồm nhiều lĩnh vực khác (Nguyễn Văn Thu, 2001; Hoàng Thanh Hương, 2018).

4. Cách tiếp cận dự báo dài hạn ứng dụng trong xây dựng chính sách BVMT làng nghề

    Cách tiếp cận dự báo dài hạn có nhiều phương pháp thực hiện, bao gồm từ phương pháp chuyên gia khảo sát, phương pháp Delphi, cộng đồng chuyên gia, xây dựng kịch bản, phương pháp thống kê định lượng, mô hình, phân tích định tính và kết hợp định lượng định tính… được áp dụng tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể.

    Vấn đề môi trường ngày nay diễn ra trên phạm vi rộng lớn với nhiều yếu tố khó xác định và bất ngờ xảy ra, khó dự báo, đặc biệt trong xây dựng chính sách. Theo kinh nghiệm của các nước đi trước đã thực hiện, phương pháp xây dựng kịch bản theo cách tiếp cận dự báo dài hạn có thể phù hợp hơn trong bối cảnh những bất định, khó lường đang diễn ra ngày nay trên quy mô quốc gia và toàn cầu. Phương pháp này với hai yếu tố chính là các động lực chi phối các lĩnh vực trong quá trình xây dựng kịch bản và đưa ra các giải pháp giải quyết các bất ổn sẽ được thảo luận trước khi đưa ra các kịch bản đề xuất.

    Phương pháp kịch bản giúp cho các chiến lược gia dự báo nhiều tương lai có thể chứ không chỉ dự báo một tương lai duy nhất. Phương pháp kịch bản là kỹ thuật lựa chọn ưu tiên khi nghiên cứu tương lai, được các chuyên gia xây dựng kế hoạch của chính phủ, các nhà quản lý doanh nghiệp và các nhà phân tích quân sự sử dụng làm công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc đưa ra quyết định khi đối mặt với sự việc không chắc chắn có thể xảy ra trong tương lai. Thực tế, kịch bản là tập hợp các bối cảnh được xây dựng cẩn thận. Các bối cảnh này mô tả các quan điểm khác nhau về các vấn đề phức tạp và kịch bản tương ứng sẽ được đưa ra phù hợp để giải quyết những vấn đề này (Peter Schwartz, 2008; Kristen Evans et al., 2008).

    Trong khía cạnh áp dụng để xây dựng chính sách, cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) giúp lựa chọn ưu tiên khi xây dựng chính sách hoặc chiến lược. Theo đó, cách tiếp cận dự báo dài hạn sẽ là công cụ hữu ích trong công tác dự báo, đồng thời, trong quá trình xây dựng chính sách về BVMT làng nghề, tạo ra sự đồng thuận sẽ quyết định sự thành công của chính sách. Theo cách tiếp cận này, với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội sẽ có cùng nhận thức hệ về vấn đề đang được đặt ra để giải quyết.

    Sơ đồ dưới đây mô tả mối quan hệ tương hỗ của cách tiếp cận dự báo dài hạn để xây dựng chính sách về BVMT.

Sơ đồ 1. Mối quan hệ tương hỗ các bên tham gia theo cách tiếp cận dự báo dài hạn để xây dựng chính sách về BVMT (Nguồn: Nhóm tác giả)

    Xây dựng chính sách BVMT cần phải thực hiện đúng quy trình như xây dựng chính sách của Việt Nam nói chung cũng như chính sách về môi trường nói riêng, tuy nhiên, từ những phân tích phần trên và kết hợp sơ đồ 1 cho thấy việc áp dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn cần phải xác định rõ một số vấn đề như sau:

    - BVMT làng nghề là nội dung đa ngành và tương đối phức tạp nên chính sách cần ở quy mô xây dựng chiến lược hoặc quy hoạch;

    - Nhiều tác nhân sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách này và do vậy, nhiều tác nhân có thể sẽ tác động tới quá trình xây dựng chính sách;

    - Vấn đề BVMT làng nghề trong tương lai (áp dụng chính sách) còn nhiều bất định và mức độ biến đổi khác nhau;

    - Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, đặc biệt chính quyền các cấp (trung ương, tỉnh và huyện, xã) nên tham gia trực tiếp và là chủ yếu vào quá trình soạn thảo (xây dựng chính sách);

    - Việc xây dựng chính sách cần có sự tham gia đầy đủ các chuyên gia và có những thảo luận cần thiết để tạo ra khuôn khổ nhằm tuân thủ chính sách.

Việc ứng dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn sẽ giúp lựa chọn ưu tiên trong xây dựng chính sách BVMT làng nghề, cụ thể:

    - Nghiên cứu về xác định lựa chọn công nghệ có thể sử dụng nhằm giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề;

    - Giúp nâng cao nhận thức dài hạn cho các chuyên gia nghiên cứu cũng như các nhà quản lý, chính quyền các cấp về BVMT làng nghề;

    - Thúc đẩy phát triển công nghệ bền vững;

    - Đưa ra các dự báo dài hạn có ứng dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn.

5. Kết luận

    Từ việc tìm hiểu và phân tích cách tiếp cận dự báo dài hạn, bài viết tìm hiểu khái niệm, nội hàm về cách tiếp cận dự báo dài hạn và phân tích những ưu điểm của cách tiếp cận này để có thể đề xuất với các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn ưu tiên trong xây chiến lược, chính sách phát triển lĩnh vực nhất định, cụ thể, ứng dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn trong định hướng chính sách BVMT làng nghề. Đồng thời, trong xây dựng chính sách về BVMT làng nghề, tạo ra sự đồng thuận sẽ quyết định sự thành công của chính sách. Việc ứng dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn sẽ giúp lựa chọn ưu tiên trong xây dựng chính sách BVMT làng nghề, như sau: (i) Nghiên cứu về xác định lựa chọn công nghệ có thể sử dụng nhằm giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề; (ii) Giúp nâng cao nhận thức dài hạn cho các chuyên gia nghiên cứu cũng như các nhà quản lý, chính quyền các cấp về BVMT làng nghề; (iii) Thúc đẩy phát triển công nghệ bền vững; (iv) Đưa ra các dự báo dài hạn có ứng dụng cách tiếp cận dự báo dài hạn.

Hoàng Thanh Hương, Phạm Thị Phương Thảo, Trần Thị Nguyệt Minh

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT (2023), Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2021.

2. Bộ TN&MT (2020), Báo cáo Kết quả triển khai thực hiện xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

3. Bộ NN&PTNT (2021), Báo cáo Công tác BVMTcủa Bộ NN&PTNT năm 2020.

4. Nguyễn Văn Thu (2001), Một số vấn đề ứng dụng cách tiếp cận foresight ở Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ.

5. Hoàng Thanh Hương (2018), Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng dự báo dài hạn (foresight) trong xây dựng chiến lược, chính sách quản lý TN&MT của Việt Nam”.

6. Phạm Thị Thanh Bình (2016), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển, Tạp chí Tài chính.

7. Lê Kim Nguyệt (2012), Thực trạng thực thi pháp luật BVMT tại các làng nghề ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học 180 - 185.

8. Debra Lam (2014), Vietnam’s Sustainable Development Policies: Vision vs Implementation, World Scienctific Book.

9. Peter Schwartz (2008), Idea: Succession planning; Peter Schwartz (2008) Scenario planning: The next big surprise.

10. Kristen Evans, Wil de Jong and Peter Cronkleton (2008), Future scenarios as a tool for collaboration in forest communities. VOL.1/No2.

Ý kiến của bạn