Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Tiếp cận kinh tế tuần hoàn cho lĩnh vực du lịch đô thị

07/11/2023

Tóm tắt:

    Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về kinh tế và môi trường. Thực hiện KTTH có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Du lịch nói chung, du lịch đô thị nói riêng có những đặc trưng riêng và chứa đựng tiềm năng áp dụng KTTH ở cả khía cạnh cung, cầu của hoạt động du lịch. Bằng việc nghiên cứu, phân tích đặc điểm của du lịch khu vực đô thị ở Việt Nam, nghiên cứu đã đề xuất được các nhóm giải pháp để tiếp cận áp dụng KTTH từ các khía cạnh cung và cầu của dịch vụ du lịch.

Từ khóa: Du lịch, Du lịch đô thị, Kinh tế tuần hoàn.

Ngày nhận bài: 20/9/2023; Ngày sửa bài: 2/10/2023; Ngày duyệt đăng: 22/10/2023.

 

The circular economy in urban tourism sector

Abstract:

    Transitioning to a circular economy (CE) is becoming a strong trend in many countries around the world, including the European Union (EU), China, and ASEAN countries, due to the economic and environmental benefits it offers. Implementing CE can be seen as one of the breakthrough solutions for addressing the relationship between the economy and the environment in the context of industrial development, urbanization, changes in consumption patterns, and lifestyle. Tourism in general, and urban tourism in particular, have their unique characteristics and contain the potential to apply CE in both the supply and demand aspects of tourism activities. Through research and analysis of the characteristics of urban tourism in Vietnam, the study has proposed a set of solutions to approach and apply CE from both the supply and demand perspectives of tourism services.

Keywords: Tourism, Urban tourism, Circular economy.

JEL Classifications: Q55, Q56, Q57,Q58.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Chuyển đổi sang KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về kinh tế và môi trường. Thực hiện KTTH đang được xem là một đòn bẩy quan trọng để đạt được các mục tiêu của chính sách như: tạo ra tăng trưởng kinh tế, việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất là một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Thực hiện KTTH có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thì việc chuyển đổi sang KTTH còn được xem xét như là một trong những giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

    Quy định về KTTH đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 [1] và nhiều quy định pháp luật khác có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH. Việc sớm thể chế hoá quy định về KTTH trong chính sách, pháp luật đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, KTTH là vấn đề mới cả về lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, để chuyển đổi thành công sang KTTH, Việt Nam vẫn còn phải giải quyết nhiều bài toán đặt ra từ hoàn thiện chính sách, phát triển công nghệ, thị trường… Nhìn chung, xét về bản chất KTTH là cách tiếp cận và là cơ hội cho tất cả các ngành, lĩnh vực, vùng, miền để vận dụng phù hợp với đặc trưng riêng, trong đó có thể kể đến là lĩnh vực du lịch đô thị. Việc áp dụng các nguyên tắc, biện pháp và chiến lược của KTTH vào phát triển du lịch ở khu vực đô thị được đánh giá là có tiềm năng cao và cần thiết. Bài viết hệ thống hóa một số luận cứ phát triển du lịch đô thị và gợi ý cách tiếp cận phát triển đô thị theo hướng áp dụng KTTH.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu tập trung phân tích các đối tượng liên quan đến hoạt động du lịch đô thị ở Việt Nam.

    Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu áp dụng các phương pháp như nghiên cứu tại bàn; phân tích chính sách; phân tích dữ liệu để thu thập, phân tích, đánh giá những thông tin dữ liệu có liên quan đến các hoạt động du lịch nói chung, du lịch đô thị nói riêng và áp dụng KTTH trong hoạt động du lịch đô thị.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tổng quan về du lịch đô thị

    Theo Luật Du lịch 2017 [2], du lịch được định nghĩa là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch. Chuỗi giá trị gia tăng của hoạt động du lịch từ vận tải, lưu trú, ăn uống, sản phẩm công nghiệp sang tạo, tài sản du lịch, giải trí và các dịch vụ hỗ trợ đều có mối liên hệ chặt chẽ với các yếu tố tự nhiên, môi trường (Hình 1).

Nguồn: UNEP [3]

Hình 1. Vị trí của tài nguyên, môi trường trong chuỗi giá trị gia tăng trong phát triển du lịch

    Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn. Xuất phát từ một số quan điểm về du lịch đô thị như: du lịch đô thị là một thuật ngữ miêu tả nhiều hoat động du lịch trong đó thành phổ là điểm đến chính là và địa điểm ưa thích. Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định “Du lịch đô thị là các chuyến đi của khách du lịch tới các thành phố hoặc khu vực đông dân cư. Thời gian của chuyến đi thường khá ngắn (1 đến 3 ngày) vì thế có thể nói du lịch đô thị thường gắn liền với thị trường đi nghỉ ngắn ngày.

3.2. Áp dụng KTTH trong lĩnh vực du lịch đô thị

3.2.1. Tiếp cận từ khu vực cầu

    Cầu trong du lịch đô thị thường bao gồm các đặc điểm tâm lý và hành vi tiêu dùng, văn hóa, nhu cầu, sở thích, khả năng thu nhập, xu hướng đi du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch ưa thích… của các thị trường khách du lịch. Trong hoạt động du lịch, hành vi và yêu cầu từ chính khách du lịch đóng vai trò quan trọng để định hình ra các sản phẩm du lịch. Du lịch được hiểu là hành trình của khách du lịch từ nơi xuất phát đến điểm đến. Khách hàng tham gia vào hoạt động du lịch đô thị rất đa dạng, bao gồm: dân cư và khách tham quan địa phương, khách đi nghỉ, khách tham dự hội nghị, hội thảo, công nhân, cán bộ làm việc trong thành phố, có thể phân loại khách tham gia du lịch đô thị theo Hình 2.

Nguồn: Tác giả, 2023

Hình 2. Phân loại khách tham gia hoạt động du lịch đô thị

    Việc áp dụng các nguyên tắc, giải pháp của KTTH từ khía cạnh khách du lịch được xem là tiềm năng và cách thức để làm cho ngành du lịch được tuần hoàn hơn [4]. Khách du lịch có thể vận dụng các nguyên tắc để giảm thiểu chất thải thông qua nhiều cách khác nhau được trình bày tại Bảng 1.

Bảng 1. Tiếp cận áp dụng KTTH từ khía cạnh khách du lịch

TT

Diễn giải

Giải pháp

1

Khoảng cách đến điểm đến

Lựa chọn các điểm đến gần hơn; sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường…

2

Thời gian lưu trú

Tăng số ngày lưu trú tại các điểm đến góp phần làm giảm dấu chân môi trường.

3

Thời điểm lưu trú

Áp dụng du lịch trái mùa có thể giúp giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng du lịch, tăng khả năng phục hồi của hệ sinh thái và giảm gánh nặng môi trường

4

Loại hình du lịch

Làm cho khách du lịch lựa chọn loại hình du lịch giảm áp lực cho môi trường

5

Vận chuyển

Áp dụng nguyên tắc giảm thiểu bằng cách lựa chọn các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và áp dụng nguyên tắc tái sử dụng bằng cách tận dụng các nền tảng chia sẻ phương tiện giao thông.

6

Chỗ ở

Áp dụng nguyên tắc giảm thiểu theo thiết kế thông qua tận dụng các nền tảng chia sẻ chỗ ở để tận dụng tối ưu hạ tầng hiện có. Hành vi của khách du lịch ở nơi ở thông qua sử dụng tiết kiệm năng lượng hơn, phân loại và tái sử dụng sản phẩm.

7

Đồ ăn và đồ uống

Lựa chọn các cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm tuần hoàn hơn, giảm lãng phí thực phẩm.

8

Các loại hoạt động du lịch khác như thăm quan, dã ngoại, phúc lợi

Lựa chọn các hoạt động ít gây ô nhiễm môi trường hơn hoặc cải thiện các hoạt động của khách du lịch để giảm chất thải, phân loại và thu gom chất thải.

Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2023

3.2.2. Tiếp cận từ khu vực cung các sản phẩm, dịch vụ du lịch

    Cung trong du lịch đô thị bao gồm các giá trị sản phẩm và dịch vụ hoàn chỉnh có thể tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định nhằm đáp ứng cầu du lịch tại các đô thị, thành phố. Các thành phần của cung du lịch đô thị bao gồm: tài nguyên tự nhiên, các giá trị văn hóa, di sản đặc trưng, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các phương tiện vận chuyển du lịch và nguồn nhân lực du lịch tại đô thị. Xuất phát từ sự đa dạng của các chủ thể khác nhau sẽ có cách thức vận dụng các chiến lược, giải pháp của KTTH khác nhau để thực hiện và đạt được các tiêu chí KTTH. Bảng 2 gợi ý các cách tiếp cận để thực hiện KTTH từ khu vực cung đối với hoạt động du lịch.

Bảng 2. Tiếp cận thực hiện KTTH từ khu vực cung đối với hoạt động du lịch

Chủ thể/hoạt động du lịch

Đặc điểm & chủ thể tham gia chính

Tiềm năng áp dụng các chiến lược, giải pháp của KTTH

1. Tài nguyên du lịch

1. Cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

2. Di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Thiết kế để sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn bao gồm: (1) tài nguyên du lịch tự nhiên; (2) tài nguyên du lịch văn hóa

2. Sản phẩm du lịch

Là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

Thương hiệu du lịch thân thiện môi trường, du lịch xanh, du lịch tuần hoàn được xem là điểm nhấn, sự khác biệt.

Cơ sở lưu trú thân thiện môi trường, xanh, tuần hoàn.

Các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu du lịch, điểm tham quan du lịch

Thúc đẩy các sản phẩm du lịch bền vững ở địa phương, sản phẩm thân thiện môi trường

3. Du lịch cộng đồng

là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.

Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn

4. Địa điểm, khu du lịch

Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia.

Thiết kế và áp dụng các giải pháp tối ưu hóa chất thải, nước thải tại khu du lịch, điểm du lịch

Nhận thức và hành vi của người dân địa phương với chất thải.

5. Kinh doanh dịch vụ lữ hành

Là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch

Phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch

Nhận thức của nhân viên phục vụ

6. Vận tải khách du lịch

là việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch.

Áp dụng giải pháp chia sẻ trong phương tiện giao thông;

 

 

7. Lưu trú du lịch

là nơi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch

Thúc đẩy hợp tác tạo dựng các chuỗi cung ứng sâu hơn, rộng hơn tại địa phương

Thúc đẩy sự tương tác để tối ưu hóa các nguồn lực, vật liệu và tài sản nhàn rỗi thông qua tuần hoàn các tài sản, chia sẻ tài sản;

Thúc đẩy các mô hình chia sẻ về cơ sở lưu trú thông qua áp dụng các mô hình tiêu dùng mới như ở nhờ, mô hình duy trì giá trị mới như trả tiền khi bạn sử dụng…) để thay đổi một cách có hệ thống đề xuất giá trị, logic tạo ra và giữ chân của người tham gia du lịch.

Thực hiện quản lý chất thải rắn, nước thải

8. Dịch vụ ăn uống

Thực phẩm, đồ uống

Phát sinh chất thải thực phẩm

Phân loại, tái sử dụng chất thải thực phẩm dư thừa thông qua liên kết với nông nghiệp ở nông thôn

9. Dịch vụ mua sắm

Hoạt động mua sắm đồ lưu niệm, tiêu dùng tại chỗ của khách du lịch

Thúc đẩy mua sắm xanh, giảm chất thải nhựa.

Phát triên các mô hình kinh doanh tuần hoàn như tái sử dụng – tái nạp đầy (reuse-refill).

Kết nối với cộng đồng dân cư để tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường

10. Hoạt động khác

Bao gồm các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe

Phân loại, giảm thiểu chất thải tại các khu đô thị

Nguồn: Tác giả, 2022

3.3. Đề xuất tiếp cận hệ thống để phát triển các mô hình du lịch đô thị toàn diện

    Bên cạnh tiếp cận phát triển KTTH theo từng khía cạnh, chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch như khách hàng, các tổ chức, cá nhân cung ứng hoạt động du lịch thì phát triển một mô hình du lịch đô thị toàn diện, bao trùm là hết sức cần thiết để duy trì tính hiệu quả và bền vững [4]. Chính vì vậy, vận dụng cách tiếp cận hệ thống trong phát triển du lịch đô thị theo hướng KTTH là hết sức cần thiết. Theo đó, các đô thị cần thúc đẩy thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, chính sách, hạ tầng và khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. KTTH trong du lịch cần được xem là một trong những trọng tâm để phát triển các đô thị bền vững, thông minh. Sau đây là một số đề xuất giải pháp để thúc đẩy áp dụng KTTH trong lĩnh vực du lịch đô thị ở Việt Nam, cụ thể: (1)Tổ chức đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, khách du lịch trong việc áp dụng KTTH nói riêng, trong lĩnh vực du lịch nói riêng; (2) Lồng ghép KTTH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch ở các địa phương, ngành du lịch; (3) Phát triển đô thị thông minh kết hợp với du lịch và quản lý chất thải; (4) Xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng KTTH trong lĩnh vực kinh doanh du lịch phù hợp với từng loại hình, đối tượng; (5) Phát triển bộ tiêu chí KTTH cho lĩnh vực du lịch đô thị; (6) Thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở kinh doanh, áp dụng chuyển đổi số, liên kết đô thị và nông thôn trong thực hiện KTTH ở khu vực đô thị; (7) Khuyến khích các hiệp hội du lịch, các Viện nghiên cứu, trường đại học phát triển các bộ tiêu chí, dịch vụ tư vấn, thiết kế sinh thái, cung cấp các công nghệ, thiết bị để thúc đẩy KTTH trong lĩnh vực du lịch; (8) Thúc đẩy đổi mới, sang tạo, nhân rộng và phát triển các sang kiến kinh doanh bền vững, các mô hình kinh doanh tuần hoàn tại các khu vực đô thị; (9) Thực hiện phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải tại khu du lịch, khu đô thị theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

4. KẾT LUẬN

    Phát triển KTTH là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo; là hạt nhân để thực hiện chủ trương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Thực hiện KTTH không phải là công việc của riêng một cá nhân, một tổ chức mà phải là sự tham gia và nỗ lực thay đổi của toàn hệ thống để cùng nhau một cách tiếp cận chung để vận hành; thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng tuần hoàn với tầm nhìn chia sẻ. Thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là khu vực công, tư là động lực để thúc đẩy các mô hình KTTH. Tất cả các ngành, lĩnh vực, vùng miền cần được khuyến khích chuyển đổi sang KTTH. Kết quả nghiên cứu bài viết cho thấy, Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là đã tạo dựng được nền tảng về định hướng, pháp luật, sự hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện KTTH. Việc cụ thể hóa sang kiến KTTH vào thực tiễn cuộc sống là hết sức quan trọng. Du lịch nói chung, du lịch đô thị nói riêng có những đặc trưng riêng và chứa đựng tiềm năng áp dụng KTTH ở cả khía cạnh cung, cầu của hoạt động du lịch. Trên cơ sở hiểu biết về du lịch đô thị và các nguyên tắc của KTTH, bài viết đã hệ thống và gợi ý các cách tiếp cận và đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy áp dụng KTTH trong lĩnh vực du lịch đô thị ở Việt Nam.

Lời cảm ơn: Bài viết này được gợi ý thực hiện bởi đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, mã số CS.2023.19, do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện.

 

Lại Văn Mạnh, Đỗ Thị Thanh Ngà, Nguyễn Thu Trang

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2023)

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 17 tháng 11 năm 2020. 2020.

2. Quốc hội, Luật Du lịch số 09/2017/QH14. 2017.

3. UNEP, Ninth Environment for Europe Ministerial Conference: Substantive thematic document. 2022.

4. Sorin, F. and S. Einarsson, Circular Economy in Travel and Tourism: A Conceptual Framework for a Sustainable, Resilent and Future Proof Industry Transition. 2020.

 

Ý kiến của bạn