30/06/2025
Tóm tắt:
Để góp phần nghiên cứu sâu hơn về giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) của Rào Vịnh - Ba Lòng, hướng tới mục tiêu bảo tồn khu vực rừng núi thấp của tỉnh Quảng Trị, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra đa dạng thực vật bậc cao có mạch tại khu vực này từ tháng 1 - 5/2025. Các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu bao gồm: Thu mẫu thực địa; phân tích mẫu, chụp ảnh các bộ phận của mỗi loài như lá, hoa, quả… trong phòng thí nghiệm bằng máy ảnh Olympus tough TG6; tra cứu, tìm hiểu giá trị sử dụng của các loài thực vật qua tài liệu chuyên môn, kết hợp điều tra thực tế từ địa phương, thống kê tổng lượt sử dụng theo các nhóm công dụng. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được tại khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng có 251 loài, 219 chi, 103 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Lớp hai lá mầm có 203 loài, chiếm 80,88 % và lớp một lá mầm gồm 39 loài, chiếm 15,53 %. Mỗi loài có nhiều giá trị sử dụng khác nhau như cây dược phẩm, thực phẩm, cây cảnh quan bóng mát, cây cho sản phẩm chiết suất, cây cho sợi. Có 10 loài thực vật thuộc diện cần bảo vệ theo Sách đỏ Việt Nam (2024) và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Từ khóa: KBT Đakrrông, Ba Lòng, Rào Vịnh, Quảng Trị.
Ngày nhận bài: 5/5/2025; Ngày sửa chữa: 3/6/2025; Ngày duyệt đăng: 25/6/2025.
Diversity of species composition and use value of Tracheophyta in Rao Vinh - Ba Long area, Dakrong Nature Reserve, Quang Tri Province
Abstract:
To contribute to further research on the biodiversity value of Rao Vinh - Ba Long, aiming at the goal of conserving the lowland forest area of Quang Tri province, the research team conducted a survey of the diversity of Tracheophyta in this area from January to May 2025. The methods used in the research include: Field sampling; sample analysis, taking photos of parts of each species such as leaves, flowers, fruits... in the laboratory with an Olympus tough TG6 camera; looking up and learning about the usage value of plant species through professional documents, combining field surveys from the locality, and counting the total number of uses according to groups of uses. Research results have recorded in the Rao Vinh - Ba Long area, there are 251 species, 219 genera, 103 families belonging to 5 phyla of Tracheophyta. The dicotyledonous has 203 species, accounting for 80.88% and the monocotyledonous has 39 species, accounting for 15.53%. Useful plant resources are comprised of 6 categories: medicinal plants, food, shade landscape plants, plants for extract products, plants for fiber. There are 10 plant species that need protection according to the Vietnam Red Book (2024) and Decree No. 84/2021/ND-CP dated 22 September, 2021 of the Government amending and supplementing a number of articles of Decree No. 06/2019/ND-CP dated 22 January, 2019 on the management of endangered, precious and rare forest plants and animals and the implementation of the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora.
Keyword: Biodiversity, Rao Vinh -Ba Long area, Dakrong Nature Reserve, Quang Tri.
JEL Classifications: Q56, Q57, Y10, O13, R11.
1. Mở đầu:
Khu vực Ba Lòng (vùng giáp ranh giữa 3 huyện Đắkrông, Triệu Phong và Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đắkrông, có tính ĐDSH cao, trước đây từng ghi nhận hàng chục con bò tót, sơn dương, khỉ mặt đỏ, gà lôi lam mào trắng, hoẵng, nai... đặc biệt là có sự xuất hiện của dấu chân hổ. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, khu vực Ba Lòng nằm trên đường di cư của động vật cổ xưa nên tài nguyên động vật hoang dã rất phong phú và còn nhiều bí ẩn (Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững KBTTN Đắkrông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030).
Tuy nhiên, tình trạng cây gỗ lớn trong khu vực Ba Lòng bị chặt phá trong suốt thời gian dài, kèm theo đó là các loài động vật bị săn bắt trái phép, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng giá trị ĐDSH nơi đây. Trước thực trạng đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý KBTTN Đắkrông đã thành lập trạm bảo vệ rừng, nhằm kiểm soát, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng. Trong những năm gần đây, theo ghi nhận của người dân sinh sống quanh khu vực, rừng đã có dấu hiệu hồi phục, nhiều loài động vật bắt đầu trở lại.
Vì vậy, để nghiên cứu sâu hơn về giá trị ĐDSH, hướng tới mục tiêu bảo tồn khu vực rừng núi thấp của tỉnh Quảng Trị, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra đa dạng thực vật bậc cao có mạch tại khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng từ tháng 1 - 5/2025. Kết quả nghiên cứu góp phần tạo cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo và định hướng quy hoạch bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại Rào Vịnh - Ba Lòng trong thời gian tới.
2. Địa điểm, thời gian, vật liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Địa điểm, thời gian và vật liệu:
- Địa điểm, thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành trong thời gian từ tháng 1 - 5/2025 tại khu vực vực Ba Lòng - Rào Vịnh, KBTTN Đắkrông, tỉnh Quảng Trị.
- Vật liệu: Các loài thực vật bậc cao có mạch Tracheophyta tại khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh và một số vùng lân cận.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
- Thực địa: Thu mẫu theo phương pháp của Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007; Thái Văn Trừng, 1978. Thực hiện các tuyến khảo sát theo 5 đợt, mỗi tuyến có độ dài từ 3 - 5 km và các ô chuẩn kích thước 10 x 10 m2. Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn, đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng (PRA) với 100 phiếu.
Hình 1. Các tuyến và ô chuẩn được tiến hành khảo sát tại Ba Lòng - Rào Vịnh, KBTTN Đắkrông
Chú thích: Các tuyến - Màu đỏ; ô chuẩn - Hình vuông trắng
- Trong phòng thí nghiệm: Phân tích mẫu, chụp ảnh các bộ phận của mỗi loài như lá, hoa, quả… bằng máy ảnh Olympus tough TG6. Định loại mẫu bằng phương pháp hình thái so sánh, theo tài liệu của Nguyễn Tiến Bân, 1997, Phạm Hoàng Hộ 1999 & 2003.
- Nghiên cứu giá trị sử dụng: Tra cứu, tìm hiểu giá trị sử dụng của các loài thực vật qua tài liệu chuyên môn, kết hợp điều tra thực tế từ địa phương, thống kê tổng lượt sử dụng theo các nhóm công dụng. Đánh giá kết quả các nhóm trên tổng số loài thu được là 251 loài thực vật bậc cao có mạch.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Thành phần loài thực vật bậc cao có mạch ở khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh
Kết quả nghiên cứu thu được tại khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh có tổng số 251 loài, 219 chi, 103 họ, thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, gồm: Ngành Thông đất (Lycopodiophyta): 2 loài, 2 chi, 2 họ; ngành Dương xỉ (Polypodiophyta): 5 loài, 5 chi, 5 họ; ngành Gắm (Gnetophyta): 1 loài, 1 chi, 1 họ; ngành Thông (Pinophyta): 1 loài, 1 chi, 1 họ; ngành Ngọc Lan (Magnophyta): 94 loài, 210 chi, 242 họ.
Phần lớn các loài thực vật bậc cao có mạch trong hệ thực vật Ba Lòng - Rào Vịnh thuộc vùng rừng trên núi thấp. Sự phong phú về loài ở khu vực này thể hiện qua danh sách các loài ghi nhận cũng như thu thập được trong 6 lần điều tra, thu mẫu trải rộng trên toàn bộ địa phận khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh, KBTTN Đắkrông.
Sự phân bố các taxon trong các ngành của hệ thực vật khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh được thể hiện tại Bảng 1.
Bảng 1: Đa dạng các bậc taxon của hệ thực vật khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh
TT |
Ngành |
Họ |
Chi |
Loài |
||||
Tên phổ thông |
Tên khoa học |
Số lượng |
Tỷ lệ (%) |
Số lượng |
Tỷ lệ (%) |
Số lượng |
Tỷ lệ (%) |
|
I |
Thông đất |
Lycopodiophyta |
2 |
1,94 |
2 |
0,91 |
2 |
0,80 |
II |
Dương xỉ |
Polypodiophyta |
5 |
4,85 |
5 |
2,28 |
5 |
1,99 |
III |
Gắm |
Gnetophyta |
1 |
0,97 |
1 |
0,46 |
1 |
0,39 |
IV |
Thông |
Pinophyta |
1 |
0,97 |
1 |
0,46 |
1 |
0,39 |
V |
Ngọc Lan |
Magnophyta |
94 |
91,26 |
210 |
95,89 |
242 |
96,41 |
1 |
Lớp 2 lá mầm |
Magnoliopsida |
76 |
73,79 |
176 |
80,37 |
203 |
80,88 |
2 |
Lớp 1 lá mầm |
Liliopsida |
18 |
17,48 |
34 |
15,53 |
39 |
15,53 |
Tổng |
103 |
100 |
219 |
100 |
251 |
100 |
Nguồn: Kết quả của nhóm nghiên cứu
Như vậy, số lượng loài phân bố giữa các ngành không đều nhau, chủ yếu tập trung ở Ngọc Lan (Magnophyta), với 94 họ (chiếm 91,26%), 210 chi (95,89%), 242 loài (96,41%). Trong đó, lớp hai lá mầm chiếm tỷ lệ cao, với 76 họ (73,79%), 176 chi (80,37%) và 203 loài (80,88%).
Từ kết quả trên cho thấy, các loài thực vật có mạch tại khu vực nghiên cứu thuộc lớp hai lá mầm (Magnoliopsida) chiếm ưu thế hơn so với lớp một lá mầm (Liliopsida) (Bảng 1).
Lớp 2 lá mầm: 76 họ, 176 chi, 203 loài
Lớp 1 lá mầm: 18 họ, 34 chi, 39 loài
Hình 2. So sánh tỷ lệ % các taxon giữa lớp Magnoliopsida và Liliopsida
Kết quả trên cũng cho thấy, cây thuốc thuộc lớp 2 lá mầm (Magnoliopsida) chiếm ưu thế hơn hẳn so với lớp 1 lá mầm (Liliopsida) (Hình 2). Trong đó, ngành Ngọc Lan có số lượng loài chiếm 96,55% tổng số loài của cả hệ thực vật.
Kết quả điều tra, thống kê cũng xác định được các loài thực vật bậc cao có mạch tại khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh như sau: Trong số 103 họ được tìm thấy, 10 họ có số loài nhiều nhất (91 loài, chiếm 36,25%) tổng số loài cây thực vật có mạch tại khu vực nghiên cứu (251 loài), đáng chú ý, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có số loài được ghi nhận nhiều nhất (18 loài); các họ: Đậu (14 loài), Cúc (12 loài), Cau dừa (9 loài), Cà phê (8 loài)… (Bảng 2).
Bảng 2. Các họ giàu loài cây thuốc nhất tại khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng
TT |
Họ |
Số lượng loài |
Tỷ lệ (%) |
|
Tên Việt Nam |
Tên Khoa học |
|||
1 |
Họ Thầu dầu |
Euphorbiaceae |
18 |
7,17 |
2 |
Họ Đậu |
Fabaceae |
14 |
5,58 |
3 |
Họ Cúc |
Asteraceae |
12 |
4,78 |
4 |
Họ Cau dừa |
Arecaceae |
9 |
3,59 |
5 |
Họ Cà phê |
Rubiaceae |
8 |
3,19 |
6 |
Họ Trúc đào |
Apocynaceae |
7 |
2,79 |
7 |
Họ Dâu tằm |
Moraceae |
6 |
2,39 |
8 |
Họ Long não |
Lauraceae |
6 |
2,39 |
9 |
Họ Na |
Annonaceae |
6 |
2,39 |
10 |
Họ Hoà thảo |
Poaceae |
5 |
1,99 |
Tổng |
91 |
36,25 |
Nguồn: Kết quả của nhóm nghiên cứu
Dữ liệu trên cho thấy, Rào Vịnh - Ba Lòng có sự đa dạng về loài thực vật, với tổng cộng 251 loài, thuộc 103 họ khác nhau, đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái, hỗ trợ môi trường sống thuận lợi cho các loài động vật. Trước đây đã từng ghi nhận các cá thể động vật như: Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), lợn rừng, bò tót…
Xét về tính đa dạng của các chi tại Rào Vịnh - Ba Lòng, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, những chi đặc trưng cho kiểu địa hình rừng núi thấp chiếm ưu thế, thể hiện chi tiết trong Bảng 3.
Bảng 3. Những chi có số lượng đa dạng nhất tại khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng
STT |
Chi |
Số lượng loài |
Tỷ lệ% |
---|---|---|---|
1 |
Ficus |
4 |
1,59 |
2 |
Piper |
3 |
1,19 |
3 |
Euphorbia |
3 |
1,19 |
4 |
Calamus |
3 |
1,19 |
Tổng cộng |
16 |
6,37 |
Nguồn: Kết quả của nhóm nghiên cứu
Từ Bảng 3 cho thấy, chi Ficus có số lượng loài lớn nhất (4 loài), chiếm 1,59%, đây là một chi thực vật cung cấp nguồn thức ăn đặc trưng cho các nhóm linh trưởng, chim… Tiếp đến là chi Piper, Euphorbia và Calamus với 3 loài (chiếm 1,19%).
3.2. Đa dạng về giá trị sử dụng của thực vật
Trên cơ sở các số liệu thu thập được, trong số 251 loài thực vật được ghi nhận, nhóm nghiên cứu đã đánh giá giá trị sử dụng của từng loài, trong đó có những loài chỉ có 1 giá trị sử dụng nhưng cũng có nhiều loài có nhiều giá trị sử dụng cao (vừa làm thuốc, vừa cho giá trị cây ăn quả). Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thống kê theo các nhóm công dụng và đánh giá số lượt sử dụng trên tổng số 251 loài (Bảng 4).
Bảng 4. Tổng hợp giá trị sử dụng của thực vật tại khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng
TT |
Giá trị sử dụng |
Số lượt sử dụng |
Tỷ lệ (%) |
1 |
Cây cho giá trị dược liệu, mỹ phẩm |
203 |
80,88 |
2 |
Cây thực phẩm |
34 |
13,55 |
3 |
Cây cảnh, bóng mát |
68 |
27,09 |
4 |
Cây cho sợi |
12 |
4,78 |
5 |
Cây cho sản phẩm chiết suất |
38 |
15,14 |
6 |
Cây cho công dụng khác |
21 |
8,37 |
Nguồn: sKết quả của nhóm nghiên cứu
Như vậy, tại khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng, nhóm nghiên cứu ghi nhận được 251 loài, thống kê được 6 nhóm giá trị sử dụng. Trong đó, 203 loài là dược liệu, mỹ phẩm, chiếm 80,88 % tổng số loài, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Ngoài làm dược liệu, số lượng loài này còn có nhiều công dụng khác nhau như cây thực phẩm, cây cảnh quan bóng mát, cây cho sản phẩm chiết suất, cây cho sợi. Trong đó, nhóm cây cho sợi ít nhất (12 loài): Các loài mây (Calamus spp.), tre gai (Bambusa blumeana Schultes.). Tuy nhiên, số lượng quần thể không lớn, mọc rải rác trong rừng nên việc cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho hoạt động phát triển nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương cần có dự án quy hoạch trồng thêm.
Nhóm cây cho các sản phẩm chiết suất gồm 38 loài, chiếm 15,14 %, chủ yếu cho tiềm năng về tinh dầu; một số loài có hương thơm tốt, có thể sử dụng làm hương liệu và sử dụng trong đời sống hàng ngày, cần có sự đánh giá thêm để phát triển sản phẩm địa phương trong tương lai.
3.3. Đa dạng về các nguồn gen nguy cấp, qúy, hiếm
Nhóm nghiên cứu cũng thống kê được tại khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh, KBTTN Đắkrông có hơn 10 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc diện cần bảo tồn theo tiêu chí đánh giá của Sách đỏ Việt Nam (2024), IUCN (2025) và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ (2021) (chiếm 3,98 % tổng số loài điều tra được). Cụ thể, theo Sách đỏ Việt Nam (2024), có 4 loài quý hiếm, trong đó: Cấp độ rất nguy cấp (CR) có 1 loài; nguy cấp (EN) có 2 loài; sẽ nguy cấp (VU) có 1 loài. Theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, khu bảo tồn có 7 loài thuộc danh sách bảo vệ (Bảng 5).
Bảng 5. Những loài nguy cấp, quý, hiếm và tình trạng bảo tồn theo các tiêu chí
Mức độ đe dọa |
CR |
EN |
VU |
LR |
DD |
IA |
IIA |
Tổng |
Sách đỏ Việt Nam (2024) |
1 |
2 |
1 |
|
|
|
|
4 |
Nghị định số 84 (2021) |
|
|
|
|
|
1 |
6 |
7 |
IUCN(2025) |
|
|
|
|
|
|
|
|
Nguồn: Kết quả của nhóm nghiên cứu
4. Kết luận:
Kết quả của nhóm nghiên cứu thực hiện cho thấy, khu vực Ba Lòng - Rào Vịnh có 251 loài, 219 chi, 103 họ, thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Thực vật hai lá mầm chiếm tỷ lệ cao với 203 loài (80,88%); lớp một lá mầm gồm 39 loài (chiếm 15,53%), trong đó đa dạng loài nhất là họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) với 18 loài (7,17%). Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu thống kê được 6 nhóm giá trị sử dụng, với 376 lượt sử dụng (chiếm 149,80 %), trong đó, cây cho giá trị dược liệu, mỹ phẩm có 203 loài (80,88 %); hơn 10 loài thuộc danh sách cần được bảo vệ theo Sách đỏ Việt Nam (2024) và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Do thời gian hạn chế nên nhóm nghiên cứu chưa có sự đánh giá sâu về sự thay đổi trong về thảm thực vật, diễn thế sinh thái và sự biến động các loài theo thời kỳ khác nhau. Vì vậy, thời gian tới, cần có thêm nghiên cứu nhằm thống kê, đánh giá đúng thực trạng, từ đó đưa ra giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững, hiệu quả giá trị ĐDSH tại khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng.
Lời cảm ơn: Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Đề tài “Nghiên cứu đa dạng thực vật ở khu vực Rào Vịnh - Ba Lòng, KBTTN Đắkrông, tỉnh Quảng Trị”, thuộc Chương trình hỗ trợ nghiên cứu viên cao cấp, mã số Đề tài: NVCC33.01/25-25.
Lê Tuấn Anh2, Mai Văn Thái1, Nguyễn Xuân Hậu1, Hà Thị Huyền4, Vũ Tiến Chính1,3*
1Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
2Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
3Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
4Trường PTTH Xuân Phương, Hà Nội
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Tiến Bân, 1997. Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Phạm Hoàng Hộ, 1999 & 2023. Cây cỏ Việt Nam, quyển I, II, III, Nxb. Trẻ,1999 & 2003, TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007. Các phương pháp nghiên cứu thực vật, 171 trang. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Thái Văn Trừng, 1978. Thảm thực vật rừng Việt Nam trên quan điểm hệ sinh thái, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
5. The IUCN red list - https://www.iucnredlist.org/, 2024 (Ngày lấy 29/5/2025).
6. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sách đỏ Việt Nam (Tập II - Thực vật và Nấm), NXB. Khoa học và Công nghệ, 2024, Hà Nội.
7. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, 2021, Hà Nội.
8. Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững KBTTN Đắkrông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.