Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 21/11/2024

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ

18/11/2024

    Ngày 15/11/2024, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Dự thảo Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ. Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Hữu - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học và các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Ông Lê Văn Hữu - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Hữu - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, ngày 7/10/2022 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030. Đây là Nghị quyết quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ nhằm duy trì mục tiêu là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên, Nghị quyết đã đặt ra nhiệm vụ “Tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát”. Cũng tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát. Theo đó, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học là đơn vị được giao đầu mối xây dựng văn bản trên.

    Đề án được xây dựng trong bối cảnh vấn đề bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, khái niệm “di sản thiên nhiên” lần đầu tiên được đưa vào quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; vấn đề bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên đang chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật (đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản). Do vậy, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã phối hợp với nhóm chuyên gia rà soát, kế thừa tối đa các dữ liệu đã có để phân tích, đánh giá hiện trạng. Trên cơ sở đó, Cục tiến hành khảo sát tại các khu di sản thiên nhiên, tổ chức hội thảo với các đơn vị cấp tỉnh để thảo luận về hiện trạng, những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã gửi văn bản lấy ý kiến chính thức bằng văn bản của các Bộ, ngành và 6 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đông Nam Bộ đối với hồ sơ Đề án. Dự thảo Đề án được xây dựng với sự tham vấn, đóng góp của các chuyên gia, cơ quan ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt là Ban Quản lý các khu di sản thiên nhiên với tư cách là đối tượng chính của Đề án này.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo tham vấn, các đại biểu đã cùng trao đổi và thảo luận về diễn biến đa dạng sinh học vùng Đông Nam Bộ, đồng thời đề xuất đưa nội dung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ vào Đề án; rà soát các loài thực vật có nguy cơ bị đe dọa và đưa vào danh mục các dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Đề án; xây dựng số hóa các cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học để phục vụ cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo Đề án cần tiếp tục rà soát để đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tế vùng Đông Nam Bộ và đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp, các dự án/nhiệm vụ ưu tiên cho 10 khu di sản thiên nhiên đảm bảo đạt được các mục tiêu chuyên môn và tính khả thi khi triển khai.

    Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới với kỳ vọng tạo được sự lan tỏa và tư duy toàn diện trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên, góp phần gìn giữ các giá trị môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong vùng Đông Nam Bộ.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn