Banner trang chủ

Thăm ngôi làng hình cá chép độc nhất Việt Nam

17/02/2016

     Từ xưa đến nay, làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được mệnh danh là mảnh đất ''Địa linh nhân kiệt'' do ở bất cứ thời điểm lịch sử nào, làng cũng sản sinh cho đất nước những anh tài. Không chỉ vậy, làng còn mang trong mình nhiều nét văn hóa độc đáo mà không phải nơi nào trên đất nước có được. 

     Nhìn vào bản đồ, Hành Thiện là ngôi làng có hình cá chép, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc, đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình ra biển Đông.

 

 

     Nếu coi làng Hành Thiện là một chú cá chép, thì đầu làng ứng với đầu cá, nơi đây là miếu thờ và giếng mắt cá. Phần mang cá là khu chợ làng với 4 gian đình chợ, được xây thành hình chữ ''Thị''. Phần bụng cá là nơi dân làng sinh sống của dân cư trong làng. Tại đây hình thành lên 14 dong (xóm), mỗi dong cắt ngang theo thân cá như chia khúc, gồm một con đường chạy dọc ở giữa và các ngôi nhà được xây dựng hai bên và cách nhau đúng 200m. Phần đuôi cá là nghĩa trang và chùa miếu phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.

 

Mỗi xóm của làng đều có một cổng đi vào

 

     Theo tài liệu để lại, làng vốn có tên gọi là Hành Cung Trang, được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên thành làng Hành Thiện với ý nghĩa, nơi đây chỉ làm những điều lành, điều thiện.

     Trên đất nước Việt Nam, đi đến đâu thấy có mái chùa là ở đó có làng. Chính vì thế từ xa xưa, mỗi khi lập làng là cha ông ta đều lập chùa, đình, miếu...nhằm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng. Thật hiếm có ngôi làng nào trên cả nước có tới 2 chùa. Điều đặc biệt đó lại nằm ở làng Hành Thiện. Phần đuôi cá là nơi tọa lạc của hai ngôi chùa: Thần Quang tự và Đĩnh Lan tự. Chùa Thần Quang thờ Đức Thánh Tổ Thiền sư Không Lộ - vị Thánh bảo hộ của dân làng. Chùa Đĩnh Lan - gắn liền với sự tích về một bức tượng Mẫu trôi dạt vào làng, được trẻ mục đồng hương khói và phù hộ cho những người lính ra trận, từ đó nhân dân lập chùa thờ phụng.

 

Tưng bừng đua thuyền hội Chùa Keo

 

     Làng Hành Thiện là làng hiếu học nổi tiếng. Thời phong kiến, làng có tới 3 tiến sĩ, 4 phó bảng, 97 cử nhân, 315 tú tài. Theo sử sách, làng có 4 người làm Thượng thư, 4 người làm Tuần phủ, 4 người làm Tổng đốc cùng hàng chục người khác làm quan trong triều. Thời Pháp thuộc, làng có 51 người đỗ tú tài và cử nhân.

     Hành Thiện cũng chính là quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người lãnh đạo đất nước qua những thời kỳ chiến tranh gian khổ nhất.

 

Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh nằm bình yên giữa làng

 

     Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, đã có hàng trăm giáo sư, tiến sỹ, hàng chục cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, cùng nhiều tướng lĩnh, anh hung lực lượng vũ trang xuất thân từ ngôi làng học này, và trong tương lai, có lẽ danh sách này sẽ còn dài hơn rất nhiều.

     Nổi tiếng không chỉ bởi hình cá chép và truyền thống khoa cử, làng Hành Thiện còn có ngôi chùa không có sư. Được xây dựng vào thời nhà Lý, chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo Hành Thiện (để phân biệt với chùa Keo Thái Bình) được biết đến như ngôi chùa cổ kính nhất miền Bắc. Năm 1962, chùa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Ngoài các giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ và tư duy triết học thì điều làm cho ngôi chùa trở nên nổi tiếng là chùa không có bóng dáng sư sãi mặc cho ngôi chùa đã tồn tại hàng nghìn năm.

     Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, người Hành Thiện vẫn đang viết tiếp những trang lịch sử vẻ vang của làng để xứng đáng với câu ca dao “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”.

 

Nhật Minh

Ý kiến của bạn