Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tổng kết Dự án bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam

29/12/2022

    Ngày 28/12/2022, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam - WLP ”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Trưởng ban chỉ đạo Dự án và các đại biểu đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank); Bộ NN&PTNT; Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an; Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

    Việt Nam là một quốc gia có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới, với sự đa dạng về hệ sinh thái, loài và nguồn gien, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý hiếm và đặc hữu chỉ phân bố tại Việt Nam. Theo Báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước ĐDSH, Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật được xác định. Trong đó, có khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; hơn 11.000 loài sinh vật biển khác…

Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc tại Hội thảo

    Tuy vậy, nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép, một vấn đề được coi là một loại hình tội phạm nghiêm trọng bởi những tác động của hoạt động này không chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo tồn mà liên đới tới nhiều lĩnh vực khác cũng như không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà ở quy mô toàn cầu. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để cải thiện hiệu quả của công tác bảo tồn DDSH cũng như bảo tồn các loài hoang dã nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự được như mong đợi. Một trong số những nguyên nhân chính khiến các hoạt động không đạt được hiệu quả như mong muốn là chưa có sự vào cuộc đồng bộ và cách tiếp cận hiệu quả để huy động sự tham gia tích cực và thúc đẩy vai trò của các bên trong công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và loài hoang dã nói riêng.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Công tác bảo tồn ĐDSH là nhiệm vụ của toàn xã hội vì bảo vệ ĐDSH chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, sự tham gia của mỗi thành phần trong xã hội đều là một phần của giải pháp giúp Việt Nam hướng đến tương lai phát triển bền vững gần hơn. Sự hợp tác giữa các thành phần kinh tế, khu vực công – tư, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương sẽ trở thành xương sống trong công tác bảo tồn ĐDSH và các loài hoang dã. Để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên một cách hiệu quả, Việt Nam cần một chiến lược tiếp cận toàn diện để kết nối với các bên thông qua việc hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể như xây dựng chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức đến xây dựng các chương trình phối hợp lâu dài. Từ đó huy động nguồn lực tổng hợp và tạo ra được tác động cộng hưởng cho việc thực hiện các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

    Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện World Bank, chủ nhiệm Dự án đánh giá cao các kết quả đạt được của Dự án, đồng thời cam kết mạnh mẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành khác để thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo tồn DDSH, bảo vệ các loài, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý hiếm và bảo vệ sinh cảnh sống của những loài này.

    Báo cáo về các kết quả đạt được của Dự án, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho biết: Dự án WLP được Bộ TN&MT triển khai từ tháng 8/2019 – 12/2022 do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua World Bank. Mục tiêu của Dự án là bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên. Dự án tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật và tăng cường mối quan hệ đối tác, đẩy mạnh truyền thông.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Sau 4 năm hoạt động, Dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, bao gồm: Đề xuất sửa đổi, xây dựng 7 văn bản chính sách, pháp luật về quản lý, bảo tồn loài; tổ chức thành công 18 khóa tập huấn cho gần 1000 lượt cán bộ quản lý, thực thi pháp luật, các khu bảo tồn và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng quan hệ hợp tác và triển khai hoạt động phối hợp với gần 10 tổ chức đối tác và duy trì mạng lưới chia sẻ thông tin gần 1.000 thành viên. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu của gần 400 loài nguy cấp và tổ chức 5 chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức quy mô lớn dưới nhiều hình thức với hơn 50 sản phẩm truyền thông nghe nhìn đa dạng về thể loại.

    Trong giai đoạn 2023 - 2030, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn loài nguy cấp, các đại biểu đề xuất Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật nhằm đảm bảo cách tiếp cận hệ thống trong bảo tồn tài nguyên ĐDSH, đặc biệt lồng ghép trong quản lý các ngành, lĩnh vực kinh tế liên quan nhằm giảm tác động đến ĐDSH và thực hiện phát triển bền vững; tăng cường hiệu quả bảo tồn tại chỗ và tăng cường hệ thống cơ sở bảo tồn chuyển chỗ; thực hiện các chương trình nhân nuôi bảo tồn và phục hồi các quần thể loài hoang dã; tăng cường thực thi pháp luật kiểm soát săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã; thể chế hóa Diễn đàn đối tác về ĐDSH tạo nền tảng chia sẻ, thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm nguồn lực cho bảo tồn loài. Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong công tác bảo tồn loài; nâng cao đời sống cho người dân quanh khu bảo tồn bằng các mô hình sinh kế bền vững và sử dụng khôn khéo tài nguyên ĐDSH.

Châu Loan

Ý kiến của bạn