Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

20/05/2020

    Ngày 19/5/2020, Bộ TN&MT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

   Theo đó, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác.

   Dự thảo Luật lần này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách thủ tục hành chính, tích hợp nhiều loại giấy phép về môi trường về một mối, có trường hợp 1 giấy phép tích hợp được 7 giấy phép trước đây, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều này giúp các DN giảm chi phí tuân thủ, giảm thời gian làm thủ tục cũng như đầu tư, kinh doanh.

   Dự thảo Luật BVMT sửa đổi hướng tới cải cách mạnh mẽ, với việc cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính. Việc cắt giảm thủ tục này góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tương ứng giảm chi phí khoảng 50 tỷ đồng/năm; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường, tương ứng giảm 86 tỷ đồng/năm; bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của DN, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường (giảm khoảng 20.000 tỷ đồng/năm).

   Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT Phan Tuấn Hùng cho biết, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật BVMT là đảm bảo sức khỏe người dân; người Việt Nam phải được sống trong môi trường trong lành giống như các nước trên thế giới. Theo đó, Dự thảo Luật sẽ tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường. Môi trường phải ở vị trí trung tâm trong các chiến lược phát triển, quy hoạch dự án đầu tư. Đồng thời, thể chế hóa quan điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

    Một số đại biểu tại Hội thảo cho rằng, quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường là quy định cần thiết để lựa chọn dự án đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực cho nhà đầu tư. Do đó, trong các nghị định hướng dẫn nên phân định rõ dự án nào phải đánh giá, tránh thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Đối với quy định về đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các đại biểu cho rằng, trên thực tế, hầu hết các DN đều không thực hiện được, vì thế, nên quy định đánh giá tác động môi trường trước thời điểm cấp giấy phép xây dựng là phù hợp nhất…

 

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn