Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Hợp tác công tư xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa

19/02/2020

     Ngày 19/2/2020, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam) Ekkasit Lakkananithiphan; Giám đốc thương mại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (SCG) Thanapat Kaweetraiphop và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (RTN) tại Việt Nam.

 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và đại diện 3 doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ

 

     Hiện nay, ô nhiễm nhựa đang là cuộc khủng hoảng toàn cầu và vấn đề RTN là một trong những thách thức lớn nhất của loài người. Trung bình mỗi phút có đến 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra và 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần/năm trên khắp thế giới, trong đó, chỉ có 9% RTN được tái chế; 12% được tiêu hủy, còn lại 79% tích lũy trong các bãi rác, điểm chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên. Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ sử dụng nhựa bình quân trên đầu người không cao như nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng hệ thống hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện thì RTN cũng đang ở mức đáng báo động. Nghiên cứu của Tổ chức phi Chính phủ Bảo tồn đại dương cho thấy, Việt Nam là một trong 5 quốc gia thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất, gây tác động tiêu cực tới môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ con người. Trước thực trạng trên, Bộ TN&MT và 3 doanh nghiệp: Dow Việt Nam, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý RTN, nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề RTN trên quy mô toàn quốc. Biên bản ghi nhớ như một lời khẳng định: Giải quyết RTN không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp.

 

Toàn cảnh buổi Lễ

 

     Theo đó, trọng tâm của Hợp tác công tư sẽ tập trung vào 4 nội dung chính: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu RTN và phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế RTN; thúc đẩy đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế RTN; tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý RTN tại Việt Nam. Đặc biệt, hợp tác lần này không chỉ giới hạn trong 3 doanh nghiệp đầu tiên ký kết mà còn kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp có trách nhiệm khác trong và ngoài nước, cùng chung tay giải quyết vấn đề RTN, nhằm mang đến những thay đổi tích cực cho môi trường tự nhiên, đồng thời tạo động lực phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam.

     Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá cao trách nhiệm và sự chủ động của Dow, SCG và Unilever Việt Nam trong việc đồng hành cùng Bộ TN&MT chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề RTN, đặc biệt là xử lý các loại RTN khó thu gom và tái chế như sản phẩm, bao bì nhựa sử dụng một lần... Thứ tưởng hy vọng, sự tiên phong, trách nhiệm của 3 doanh nghiệp sẽ là cảm hứng để tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều doanh nghiệp cùng hành động có trách nhiệm với môi trường tại Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh, doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề mà hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng của giải pháp.

 

 Thu Hằng

Ý kiến của bạn