Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Hội nghị trực tuyến bàn về Dự án Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam

24/03/2020

     Ngày 23/3/2020, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn về Dự án Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam.

     Trong những năm gần đây, hoạt động quan trắc tự động ở Việt Nam đã được chú ý, góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian; giúp xác định nhanh, phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường, đề xuất biện pháp phù hợp để quản lý, BVMT, hỗ trợ công tác hoạch định chính sách. Tuy nhiên, lĩnh vực quan trắc chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu phục vụ công tác công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường do số lượng, quy mô, mật độ các trạm còn thưa và phân bố không đồng đều nên chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời bức tranh về hiện trạng môi trường không khí. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ quan trắc hiện đại đã triển khai nhưng còn chậm; công tác duy trì vận hành các trạm tự động gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu phục vụ công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường…

     Vì vậy, việc tăng cường, mở rộng, đưa vào vận hành mạng lưới các trạm tự động hợp lý, hoạt động ổn định, lâu dài nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu về chất lượng môi trường không khí, thông tin kịp thời cho các cấp, các ngành phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Qua đó, tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí các khu vực, đồng thời đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường không khí nói riêng, quan trắc môi trường nói chung ở Việt Nam sớm hội nhập với hệ thống quan trắc môi trường trong khu vực và toàn cầu.

 

 

     Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những giải pháp liên quan đến sự phù hợp của các trạm quan trắc với điều kiện tại Việt Nam; sự đồng bộ giữa mạng lưới trạm của Trung ương và địa phương; đưa ra cơ sở khoa học để quy hoạch, phân bổ lại các điểm quan trắc môi trường không khí giữa Trung ương và địa phương, giữa tự động và định kỳ; hiện trạng quản lý, khai thác số liệu của các trạm quan trắc… Trên cơ sở đó, Hội nghị đi đến thống nhất việc thiết kế, xây dựng mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục gắn với mô hình cảnh báo, dự báo; cung cấp thông tin, số liệu về chất lượng, diễn biến chất lượng môi trường theo không gian, thời gian phục vụ quản lý nhà nước và công bố cho cộng đồng là yêu cầu cấp thiết.

     Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tự động hiện đại, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương sẽ xác định chính xác nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm… là bước tiến quan trọng trong giám sát môi trường. Thông qua giám sát hiệu quả nguồn ô nhiễm có thể cung cấp thông tin cho việc quyết định phương án kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, BVMT, ứng phó với sự cố môi trường không khí (nếu có). Bộ trưởng đồng ý với ý kiến về vị trí đặt hệ thống quan trắc môi trường không khí quốc gia ở những nơi ít bị ảnh hưởng từ các nguồn gây ô nhiễm để có được những chỉ số ổn định, khái quát, từ đó đưa ra các chỉ số chung về môi trường không khí của vùng và khu vực, đồng thời, có thể theo dõi, đánh giá toàn diện mức độ ô nhiễm của từng địa phương, so sánh mức độ ô nhiễm của các địa phương…

     Đối với từng địa phương, cần phải tính toán chi tiết, cụ thể hơn về các yếu tố có thể gây ra ô nhiễm không khí, đánh giá được vùng bị tác động ô nhiễm, khu vực có mật độ dân cư tập trung… để đặt các trạm quan trắc môi trường không khí. Từ đó, có trách nhiệm cung cấp liên tục các số liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe để người dân có thể giám sát được những thay đổi về môi trường không khí và đưa ra khuyến cáo cần thiết. Về lâu dài, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố khi đầu tư, lắp đặt trạm quan trắc tự động cần lựa chọn thiết bị công nghệ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, tương thích với hệ thống trạm quan trắc quốc gia tự động. Đồng thời, cần có khung chính sách, pháp lý để quy định và phân rõ chức năng, nhiệm vụ trong việc cung cấp các số liệu quan trắc môi trường không khí giữa Trung ương và địa phương; việc cung cấp những số liệu phục vụ đời sống dân sinh cũng như các số liệu kỹ thuật chuyên môn cao phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, để đưa ra những đánh giá, định hướng phục vụ công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Trần Tân

 

Ý kiến của bạn