Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

19/05/2020

    Ngày 15/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật BVMT sửa đổi.

 
Toàn cảnh Hội thảo
 

    Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; và Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải đồng chủ trì Hội thảo.

   Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải cho biết: Luật BVMT lần đầu được trình Quốc hội thông qua năm 1993. Đến năm 2005, Luật BVMt được sửa đổi, bổ sung lần đầu tiên và đến năm 2014, Luật được sửa đổi lần 2. Hiện nay, Luật BVMT tiếp tục được sửa đổi, nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong tinh hình thực tế. Việc sửa đổi Luật BVMT hiện hành lần này nhằm hoàn thiện Luật BVMT có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi. Đồng thời, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường, ngăn chặn được tình trạng mất cân bằng sinh thái. giúp phù hợp với tình hình thực tế. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật BVMT năm 2014

   Trao đổi về việc xây dựng Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh của cơ chế thị trường và thực tiễn cuộc sống. Một số quy định mới chỉ ở mức khung, không giao Chính phủ quy định chi tiết nên chưa bảo đảm các yếu tố thực thi. Quản lý môi trường mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong BVMT, chưa huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho BVMT trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia (hiệp định CPTPP, EVFTA,...) đặt ra yêu cầu cần sớm được thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện. Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Vì thế, đã đến lúc cần xây dựng một đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, khắc phục sự phân tán, chồng chéo; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật BVMT hiện hành và tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Giấy phép môi trường, công tác xử lý chất thải rắn (CTR), chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)... Theo đó, về ĐMC, cần phải thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐMC; quy định kết quả ĐMC phải được xem xét và tích hợp với nội dung của chiến lược, quy hoạch; có cơ chế đảm bảo sự tham gia của các bên liên quann; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập ĐMC đối với chiến lược, quy hoạch; tăng cường quan trắc chất lượng môi trường, cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng môi trường hiện tại và dự báo đối với các kịch bản trong tương lai; tăng cường sự tham gia của công chúng trong ĐMC và công khai ĐMC đã được phê duyệt. Đối với ĐTM, đối tượng phải ĐTM sơ bộ và đối tượng phải lập báo cáo ĐTM quá rộng (như trước khi không có giấy phép môi trường) theo quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) là quá rộng, cần thu hẹp đối tượng. Nội dung quá nhiều, trong đó yêu cầu một số thông tin có thể không có và không thuộc trách nhiệm của chủ dự án, ví dụ: khoản 1, điểm c, điểm g; một số nội dung quá cụ thể, không thể có trong giai đoạn này: khoản 1 điểm n, điểm q…

    Để đảm bảo tính khả thi, các loại giấy phép môi trường khác nhau với các đối tượng khác nhau và qui trình thủ tục cấp phép khác nhau; liên hệ chặt chẽ với ĐTM (nếu có). Các yêu cầu của giấy phép phải rõ ràng và thực hiện được, cùng với các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết (các nghị định, thông tư). Quy trình cấp phép rõ ràng minh bạch, cấp phép trên mạng…

    Về chính sách ứng phó với BĐKH, việc xác lập nguyên tắc “Ứng phó với BĐKH phải được xem xét từ đầu của quá trình lập chiến lược, quy hoạch, xây dựng chính sách, pháp luật và dự án đầu tư phát triễn kinh tế - xã hội (Chương I, điều 4, khoản 5); quy định nguyên tắc“BVMT cùng với kinh tế, xã hội là trung tâm của PTBV, gắn kết hài hòa với ứng phó BĐKH”; Trong Điều 35 (Thích ứng với BĐKH), khoản 1 cần bổ sung nội dung quan trắc hệ thống khí hâu  và giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức về BĐKH cho cộng chúng theo  các cam kết đối với  UNFCCC.

    Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh đánh giá cao sự thành công của Hội thảo với các tham luận và ý kiến đề cập đến rất nhiều nội dung và sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Qua quá trình thẩm qua, cùng với các ý kiến của đại biểu, hồ sơ Dự án Luật BVMT cần bổ sung và hoàn thiện hơn nữa về tính thống nhất hệ thống pháp luật; tính khả thi và hiệu quả của các chính sách khi Luật đi vào cuộc sống; rà soát lại việc phân công trách nhiệm, thẩm quyền các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

 

Hương Trần

Ý kiến của bạn