Banner trang chủ

Tò he - một nét văn hóa dân gian

31/01/2016

     Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, những người nặn tò he làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã “biến” thứ bột nặn thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu. 

 

 

     Nặn tò he có nguồn gốc lâu đời nhưng do tư liệu chép đã bị cháy nên không tìm ra được ông tổ nghề. Hơn nữa, trong làng có rất nhiều dòng họ: Ðặng, Nguyễn, Vũ, Lê, Chu, Trịnh... mà họ nào cũng biết nặn tò he. Vì thế, chức danh ông tổ nghề được phong cho dòng họ nào cũng xứng đáng cả.

    Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống nông dân. Ðó là những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay họ làm ra: bột gạo, phẩm mầu, que tre. Giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ theo tỷ lệ 1 kg gạo tẻ với 1 lạng gạo nếp. Nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục. Cho cục bột vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội bột, và nhuộm màu cho bột.

     Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ cây nhà lá vườn: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu đen thì dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá trầu không; các màu sắc trung gian khác đều được phối từ bốn màu cơ bản trên. Ðiều đáng nói ở đây là màu rất bền, không bị loang ra, màu nào vẫn giữ nguyên màu đó khi ta đem trộn lẫn chúng vào nhau.

 

 

     Tại các lễ hội đình, chùa, khu vực dành cho những nghệ nhân nặn tò he luôn thu hút sự chú ý của người đi hội, nhất là trẻ con. Những bàn tay thoăn thoắt cấu những cục bột, phối các màu xanh, đỏ, trắng, vàng cùng đồ nghề đơn sơ như que tre, chiếc lược nhựa, thoáng chốc biến thành hình cô tiên, lão ngư ngồi câu cá hay nhân vật Tôn Ngộ Không múa gậy thần kỳ… Nghe có vẻ dễ dàng, song làm tò he không chỉ đơn thuần cầm bột lên rồi nặn. Trước khi làm người nghệ nhân phải hình dung màu sắc, mảng khối nào sẽ hợp với tính cách nhân vật mình thể hiện.

     Ví dụ như nặn Tôn Ngộ Không về cơ bản các nghệ nhân sẽ nặn giống nhau, nhưng từng tiểu tiết như mắt, gậy, mũ… của mỗi người nặn lại khác nhau; hay khi nặn các dũng tướng cũng phải toát lên thần thái của nhân vật, mặc dù đôi khi chỉ người trong nghề mới có thể nhận ra.

 

 

     Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác ở nước ta đều vướng mắc ở “đầu ra”’ cho sản phẩm, Xuân La cũng đang vươn mình tìm đến những thị trường rộng lớn hơn. Người ta thích tò he không giống như sự yêu thích những thứ đồ chơi hiện đại, đắt tiền, mà thích ở cái mộc mạc, đậm tính dân tộc của tò he, ở tính thủ công từ những đôi tay khéo léo. Sở dĩ tò he chưa được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài là vì nhược điểm của chất liệu tạo ra chúng. Bột gạo rất rẻ và dẻo khi nặn nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô, nứt. Hơn nữa, mỗi sản phẩm tò he thông thường chỉ để được từ 3 đến 30 ngày (tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ nặn, thời tiết và cách bảo quản). 

     Đã có thời gian, nghề làm tò he tuởng chừng như bị mai một do không cạnh tranh nổi với những món đồ chơi nước ngoài. Đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ, bền đẹp lại đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Tuy nhiên, nhờ chính sách nhằm duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống của Đảng và Chính phủ, làng nghề Xuân La đã và đang gìn giữ được một loại hình nghệ thuật đặc sắc của văn hoá dân gian.

     Mong muốn lớn nhất của người dân Xuân La là có được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền hơn. Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào “sân chơi” lớn hơn.

 

Hương Mai

Ý kiến của bạn