07/03/2019
Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hằng năm, đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu lại tổ chức Lễ hội cúng rừng - nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây và còn được gọi là “Tết rừng”.
Thầy cúng Sùng A Sềnh làm lễ
Lễ hội cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu thể hiện nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn thờ các vị thần suối, thần núi, thần rừng, thần cây... Theo quan niệm của người Mông tại đây, thần rừng, thần cây, thần suối là những vị thần giúp con người xua đuổi thú dữ, cho gỗ làm nhà, cho nguồn nước uống. Bởi vậy, lễ hội cúng rừng nhằm cầu an lành cho con người, súc vật và cỏ cây. Đồng thời, đây cũng là dịp nhắn nhủ mỗi người dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn sinh thủy phục vụ đời sống, sản xuất, cải tạo môi sinh...
Lễ hội cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật từ UBND xã lên khu cửa rừng. Nghi thức diễn ra dưới gốc cây Táu Mật cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng rừng gồm một cặp gà trống mái, một con lợn được 2 nam, 2 nữ khiêng. Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về 4 phía gõ mõ và khấn mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng cùng một số thanh niên trong xã thực hiện việc cắt tiết gà, tiết lợn, lông của gà được phết máu và dán lên gốc cây cổ thụ.
Đặc biệt, lễ hội cúng rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết của thôn bản về công tác bảo vệ rừng, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã. Việc thực hiện hương ước, quy ước về bảo vệ rừng đầu nguồn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ rừng nguyên sinh Nà Hẩu.
Tết rừng là truyền thống của người Mông, để cầu mong thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Trong ba ngày tết rừng, cả bản không ai được lên chặt cây, săn bắt, đào măng, lấy củi từ rừng. Tết rừng cũng là dịp để nhân dân trong bản lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cho cả năm nữa.
Ông Vũ Xuân Bá, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Hằng năm xã cùng các thôn đều tổ chức lễ tết rừng. Thông qua hoạt động này, ý thức của người dân về bảo vệ rừng được nâng cao. Ngoài ra, Tết rừng cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông xã Nà Hẩu.
Lễ hội “Tết Rừng” của người Mông thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) là một trong những nghi lễ truyền thống tốt đẹp. Đây là nghi lễ truyền thống gắn con người với thiên nhiên, mang giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.
Thu Hằng