07/08/2018
Hội đồng Cây Di sản Việt Nam vừa họp xem xét hàng nghìn hồ sơ cây cổ thụ từ các tỉnh, TP: Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Long An và Quảng Nam vừa gửi về, công nhận thêm 674 cây đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.
Chuyên gia VACNE khoan xác định tuổi cây đỗ quyên
Theo đó, với có sự đo đạc, kiểm đếm cụ thể của lực lượng BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và hỗ trợ của các chuyên gia Lâm học của VACNE, Hội đồng đã xác định: có 235 cây, trong tổng số 3.821 cây Đỗ quyên (tại 3 phân khu) ở Quảng Nam đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam. Trong danh sách 1.146 cây pơ mu của huyện Tây Giang (Quảng Nam) đăng ký bổ sung, có 421 cây đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam. Ngoài những tập đoàn cây kể trên, huyện Tây Giang còn có 3 cây đa trên 700 năm và 1 cây dổi hơn 350 năm được Hội đồng xét thông qua trong đợt này.
Tỉnh Long An có 5 cây dầu có tuổi trên 250 năm và 1 cây trôm mõ khổng lồ trong khuôn viên chùa Nổi, ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng được công nhận.
TP. Hải Phòng có 4 cây cổ thụ được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam trong đợt này là: cây bàng trên 400 năm và cây muỗm gần 200 năm ở thôn Vân Đôi, xã Đoàn Lập huyện Tiên Lãng; Cây mắm trâu gần 300 năm của làng Do Lễ, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên và cây báng gân 400 năm của thôn Hà Dương, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo.
Tỉnh Nam Định có 3 cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam là: cây đa 128 năm của tổ dân phố 12, thị trấn Thịnh Long và 2 cây thị hơn 200 năm ở đình làng của xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu.
Tỉnh Bắc Ninh chỉ có 1 cây được Hội đồng thông qua, công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam là cây đa hơn 100 năm của thôn Ngọc Phượng, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài.
Nhiều cây cổ thụ chưa lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam lần này vì không gian sống đang bị xâm hại, chưa được cộng đồng địa phương quan tâm, hoặc do Hội đồng chưa thể xác định chính xác tên loài cây.
Sơn Tùng