Banner trang chủ

Hà Nội: Thắt chặt công tác kiểm soát gấu nuôi nhốt

10/08/2017

     Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới hoàn thành chương trình tái gắn chíp cho khoảng trên 200 cá thể gấu nuôi nhốt tại Hà Nội. Với công nghệ mới, loại chíp điện tử này sẽ là công cụ đắc lực và an toàn, giúp công tác kiểm tra chíp được thực hiện dễ dàng vì không phải gây mê cho gấu trong mỗi lần kiểm tra. Đây là một phần trong chiến lược mới do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới và tổ chức Four Paws International phát triển, nhằm hỗ trợ Chính phủ thúc đẩy tiến trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

 

 

     Năm 2005, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (trước đây là Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA)) đã khởi xướng chương trình đăng ký và gắn chíp cho hơn 4.300 cá thể gấu nuôi nhốt tại hàng trăm trang trại trên khắp cả nước. Đây là bước đi đầu tiên trong nỗ lực mang tính chiến lược và toàn diện nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Mục tiêu của việc đăng ký và gắn chíp cho gấu là nhằm thắt chặt công tác quản lý gấu và đảm bảo không có gấu mới phát sinh tại các trang trại.

     Trong 12 năm qua, số lượng gấu nuôi nhốt đã giảm đáng kể nhờ cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, cũng như nỗ lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến đầu năm 2015 chỉ còn hơn 1.200 cá thể gấu bị nuôi nhốt trên cả nước.

     Trên cơ sở các kết quả đạt được của chương trình tái gắn chíp tại Hà Nội, Tiến sĩ Karanvir Kukreja - Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới nhấn mạnh: Chương trình tái gắn chíp cho gấu tại Hà Nội chỉ thực sự có ý nghĩa nếu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm theo dõi hiệu quả số lượng gấu tại các cơ sở nuôi nhốt cũng như đảm bảo chủ cơ sở không khai thác, buôn bán gấu nuôi dưới mọi hình thức. Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới đang có kế hoạch mở rộng chương trình tái gắn chíp đến những địa phương trọng điểm khác. Tiến sĩ Karan cho biết: “Chúng ta có quyền tự hào về những kết quả và thành công đã đạt được từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể dừng lại khi không còn một cá thể gấu nào bị nuôi nhốt trong các trang trại, và ngành công nghiệp mật gấu chấm dứt vĩnh viễn tại Việt Nam”.

     Hiện nay, Tổ chức Four Paws đang xây dựng một trung tâm cứu hộ gấu chất lượng cao tại tỉnh Ninh Bình để tạo thêm không gian cho những cá thể gấu tịch thu được hoặc được chuyển giao từ các cơ sở nuôi nhốt gấu trên khắp cả nước.

 

Uyên Hoàng

Ý kiến của bạn