10/11/2017
Cách Sài Gòn khoảng 250 km, quần đảo Nam Du được mệnh danh là những “viên ngọc thô quyến rũ” và được ví như một Phú Quốc khác của tỉnh Kiên Giang. Quần đảo Nam Du bao gồm 21 đảo lớn, nhỏ thuộc 2 xã Nam Du và An Sơn, huyện Kiên Hải, với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó đảo Củ Tron là đảo lớn nhất, tập trung nhiều hoạt động cho du khách nghỉ ngơi và trải nghiệm.
Xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề cần quan tâm tại đảo Nam Du |
Trước đây, hoạt động kinh tế chủ yếu của người dân là đánh bắt hải sản nhưng hiện nay, người dân có thể tham gia vào một số hoạt động du lịch như lái tàu, phục vụ, buôn bán kinh doanh, cho thuê tàu… Đặc biệt, trào lưu thiết kế tour gia đình với dịch vụ homestay (mô hình du lịch cộng đồng), đưa du khách tham quan các hòn đảo quanh quần đảo Nam Du trở nên phổ biến. Theo UBND xã An Sơn, xã hiện có khoảng 20 hộ thiết kế tour gia đình. Nhìn chung, hoạt động du lịch tại đảo Nam Du đa dạng, hấp dẫn du khách, đóng góp cho hoạt động kinh tế của người dân địa phương, góp phần tăng thu nhập và tạo thêm việc làm của người dân.
Tuy nhiên, do lượng khách du lịch đến Nam Du ngày càng tăng (năm 2015 đón 27.000 lượt khách, năm 2016 đón hơn 72.000 lượt khách) nên phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, các tàu biển đánh bắt xa bờ, nhà nghỉ, nhà trọ, quán ăn, người dân sống trên đảo Củ Tron và một số đảo khác đã thải trực tiếp rác thải, nước thải xuống biển, gây mất mỹ quan và ô nhiễm nguồn nước biển. Cùng với đó, một số du khách trong quá trình lặn ngắm san hô đã bẻ san hô sống đem về nhà, phá hủy sự sống của san hô. Ngoài ra, việc tự ý khai thác nhum cho du khách thưởng thức cháo nhum gây tuyệt chủng loài này trong tương lai.
Để du lịch Nam Du có thể phát triển bền vững trong tương lai cần sự chung tay góp sức của người dân và chính quyền địa phương, đặc biệt, cần có những hành động thiết thực để BVMT biển. Do đó, xử lý rác thải chính là vấn đề cần quan tâm hàng đầu tại đảo Nam Du, vì vậy, người dân và chính quyền địa phương cần có biện pháp thu gom phân loại và tập kết rác ở một địa điểm cố định. Hàng ngày, các tàu đánh cá vào đất liền Rạch Giá để bán hải sản có thể chở rác từ điểm tập kết vào đất liền để xử lý. Những chiếc tàu nào đăng ký chở rác từ đảo vào đất liền sẽ giảm thuế đăng kiểm và thuế môi trường. Đặc biệt, có hình thức tuyên dương, khen thưởng cho các tàu tình nguyện thu gom rác vào đất liền.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần thành lập ban quản lý hoạt động du lịch tại địa phương do người dân địa phương quản lý để kiểm tra các hoạt động du lịch tại đảo; Khuyến khích người dân thu dọn vệ sinh môi trường xung quanh nơi sinh sống và kinh doanh du lịch; Kêu gọi các đội thuyền tình nguyện đánh bắt vớt rác hàng tuần tại các bãi tắm, rác trôi dạt vào bờ; Bắt buộc các tàu du lịch và tàu đánh cá trang bị thùng rác để bỏ rác thải, sau khi tàu cập bến, những rác thải này được chuyển đến chỗ tập kết rác cố định. Mặt khác, tuyên truyền giáo dục ý thức BVMT cho người dân thông qua các lớp tập huấn, treo pano, áp phích, có chiến dịch hay việc làm thiết thực để nâng cao ý thức BVMT cho người dân trên biển và du khách nhân các ngày lễ lớn về môi trường…n
Lê Thị Tố Quyên
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017