19/07/2017
Ngân hàng Phát triển Thế giới (ADB) mới đây đã công bố báo cáo với tiêu đề “Một khu vực nhiều nguy cơ: Các khía cạnh về con người của biến đổi khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương” cho rằng, những thành tựu phát triển mà châu Á đạt được một cách khó khăn đang đứng trước nguy cơ bị đảo ngược bởi tác động của thay đổi khí hậu.
Theo báo cáo, đến cuối thế kỷ này, dự báo nhiệt độ trên khắp đại lục châu Á sẽ tăng khoảng 60C, thậm chí nhiệt độ ở một số nơi như Afghanistan, Pakistan, Tajikistan hay tây bắc Trung Quốc có thể tăng tới 80C. Mức tăng nhiệt độ này có thể gây ra những thay đổi mạnh mẽ đối với hệ thống khí hậu, các ngành đánh cá và nông nghiệp, đa dạng sinh học biển và đất liền, an ninh khu vực, thương mại, phát triển đô thị, di trú và sức khỏe trong khu vực. Một kịch bản như vậy thậm chí có thể tạo ra mối đe mang tính dọa sống còn đối với một số quốc gia trong vùng và đập tan hy vọng trong việc đạt được sự phát triển toàn diện và bền vững.
Bên cạnh đó, 13 trong số 20 TP có nguy cơ gánh chịu những tổn thất do lũ lụt gây ra lớn nhất thuộc các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thiên Kinh, Tân Cương và Hạ Môn của Trung Quốc; Chennai Madras, Kolkata, Mumbai, và Surat của Ấn Độ; Jakarta của Inđônêxia; Nagoya của Nhật Bản; Bangkok của Thái Lan và TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam.
ADB cũng cho biết, nhiệt độ toàn cầu gia tăng sẽ đe dọa tới nguồn cung năng lượng. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ mất an ninh năng lượng thông qua việc tiếp tục dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch không bền vững, giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện do khan hiếm nước làm mát, và hoạt động không liên tục của các nhà máy thủy điện do lưu lượng nước không ổn định, bên cạnh nhiều yếu tố khác. Tình trạng mất an ninh năng lượng có thể dẫn tới xung đột khi các quốc gia cạnh tranh để giành lấy nguồn cung năng lượng có hạn.
Tuy nhiên, ADB cũng nhận định, khu vực năng động nhất về kinh tế trên thế giới - châu Á vẫn “có khả năng và tầm ảnh hưởng để hướng tới con đường phát triển bền vững, kiềm chế sự phát thải khí nhà kính toàn cầu và thúc đẩy sự thích ứng”.
Đỗ Hương