Banner trang chủ

Vật liệu xanh ngày càng phổ biến tại dự án hạng sang

21/11/2017

     Sức ép môi trường cùng trách nhiệm xã hội khiến nhiều chủ đầu tư lựa chọn vật liệu xanh như một tiêu chí bắt buộc với một dự án bất động sản hạng sang.


Không gian sống xanh đẳng cấp của The Collection 

     Muốn sang phải xanh
     Theo ông Nguyễn Dũng Minh - Phó Tổng giám đốc Vihajico cho biết, Ecopark là dự án đáp ứng những tiêu chuẩn môi trường, cây xanh bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Nhưng Vihajico muốn làm điều gì đó đặc biệt hơn thế tại khu đô thị đẳng cấp này. “Sau khi nghiên cứu những xu hướng xây dựng tiên tiến trên thế giới, cùng với cây xanh, thiết kế gần gũi với thiên nhiên, chúng tôi lựa chọn các loại vật liệu xanh như kính tiết kiệm năng lượng, gạch không nung, sơn thân thiện với môi trường… cho dự án của mình. Tất cả tạo nên tổng thể một dự án bất động sản hạng sang, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của cộng đồng và nhu cầu sống thân thiện của mỗi cá nhân”, ông Nguyễn Dũng Minh chia sẻ.
     Theo bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia về công trình xanh tại Việt Nam, công trình xanh là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động tới môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình, từ khi thiết kế, xây dựng đến vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ. Công trình xanh bổ sung vào cách thức thiết kế và xây dựng truyền thống vốn chỉ quan tâm tới vấn đề kinh tế, công năng sử dụng và mức độ tiện dụng của công trình. Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày một ít đi, các công trình xây dựng còn được xem xét dưới góc độ bền vững và hiệu quả sử dụng năng lượng là tiêu chuẩn bắt buộc vì trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng là lý do các công trình xanh đang ngày một phổ biến và được chủ đầu tư các dự án bất động sản coi đó là yếu tố bắt buộc để giữ chân những khách hàng có hiểu biết và sống trách nhiệm với cộng đồng, môi trường xung quanh. Tại Việt Nam, những năm gần đây, các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng đã ý thức vấn đề này và có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Thiết kế, kiến trúc, vật liệu xây dựng tại nhiều dự án như: Ecopark, Flamingo Đại Lải resort, Eco Home, Eco Life, D’ Capitale, Gamuda Gardens… đã chú trọng đến các yếu tố này và được khách hàng đón nhận.

      Đầu tư có chiều sâu

     Trao đổi về các chính sách cần thiết để phát triển vật liệu xây không nung đến 2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, các cơ quan liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ đã vào cuộc một cách tích cực. Cụ thể, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ – TTg ngày 28/4/2010 về “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020”, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT - BXD về vật liệu xây không nung, khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung đạt tỷ lệ 20 - 25%, năm 2020 phải là 30 - 40%. Hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải.

 
     Công trình sử dụng gạch không nung xi măng cốt liệu góp phần BVMT trong khi vẫn đạt hiệu quả kinh tế vượt trội

     
     Từ năm 2010 đến nay, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, nhiều doanh nghiệp đã tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều chủng loại vật liệu xây không nung. Tới nay, nguồn cung cấp và thị trường tiêu thụ về tổng thể đang tiệm cận với mục tiêu mà Chương trình đề ra. 
      Khác với viên gạch truyền thống, gạch xi măng cốt liệu được thiết kế sáng tạo với 3 - 4 thành vách, với nhiều mẫu đặc thù dành riêng cho xây dựng nhà ở cao tầng. Đến nay, giải pháp xây tường mỏng bằng gạch 3 - 4 thành vách đã trở nên rất thông dụng, được ứng dụng rộng rãi trong các tòa nhà cao tầng đang xây dựng tại Hà Nội và các tỉnh thành. Nhiều công trình đã sử dụng từ 80 đến 100% vật liệu xây không nung như các Dự án nhà ở cao tầng mang thương hiệu EcoHome, EcoLife của công ty Capital House.

Nguyên Hằng (Theo Báo Đầu tư)

Ý kiến của bạn