Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển năng lượng sạch của Việt Nam

16/11/2017

     Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng Mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới.

 

 

     Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE.

     Với lợi thế về gió và mặt trời của một quốc gia khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam xác định đây là 2 nguồn năng lượng chính để phát triển điện sạch. Vì vậy, trong quy hoạch điện VII đã điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác điện mặt trời vào năm 2020 được khoảng 850 MW; 4.000 MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000 MW vào năm 2030.

     Hiện, các địa phương như: BìnhThuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh… tổng công suất các dự án đăng ký ở từng tỉnh đạt mức 1.000 MW. Đây là những con số rất lớn, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khai thác hiệu quả nguồn điện từ gió và mặt trời không hề đơn giản. Theo đó, đầu tư điện gió và điện mặt trời có rất nhiều khó khăn, trong đó vốn đầu tư và việc nối lưới các dự án này được cho là những nguyên nhân căn bản. Bởi điện mặt trời lên, xuống gần như tức thời, nhưng điện sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. Vì tính chất điện mặt trời như vậy nên rất khó khăn cho việc vận hành hệ thống. Ngoài ra, khi điện mặt trời không phát nữa thì ngành điện phải huy động nhiệt điện ngay lập tức để bù vào phần công suất thiếu hụt. Một khó khăn nữa là lưới điện Việt Nam là xoay chiều, trong khi điện mặt trời là điện 1 chiều nên phải dùng thêm một thiết bị inverter. Nếu các thiết bị inverter không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các khách hàng sử dụng điện.

     Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời cùng với chính sách biểu giá điện hỗ trợ (FiT) mới nhất. Mặc dù khả năng chi trả cho dự án vẫn luôn là một thách thức quan trọng, nhưng với triển vọng tích cực trong tương lai về khả năng thu hồi vốn và điều kiện kinh doanh hiện tại, thị trường này sẽ mang đến cơ hội tốt cho các nhà phát triền, nhà đầu tư, IPPs, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà cung cấp và nhà sản xuất.

 

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn