Banner trang chủ

Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam

21/03/2018

     Ngày 5/3/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo khởi động và đào tạo Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam”.

 

Toàn cảnh Hội thảo Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh theo baocongthuong)

 

     Dự án nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp, đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia. 

     Theo Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương cho thấy, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm gần 6 % tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương với trên 11,8 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011 - 2015. Tiêu biểu như ngành thép (giảm 8,09 %); ngành xi măng (giảm 6,33 %); ngành dệt sợi (giảm 7,32 %). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng.

     Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7 %/năm. Cũng theo kịch bản này thì tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 là 10,6 %/năm, giai đoạn 2021-2025 là 8,5 %/năm và giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 %/năm. Hiện nay, nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống là khoảng 45.000 MW thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030.

     Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam có tổng kinh phí 158 triệu USD (trong đó vốn vay từ Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế là 100 triệu USD để hỗ trợ đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và 1,7 triệu USD vốn vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án). Việc triển khai Dự án sẽ giúp cung cấp nguồn tài chính tin cậy, ổn định và ưu đãi tới các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng để thực hiện các dự án đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. 

     Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nhận định, ngành năng lượng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, do vậy, việc thúc đẩy đầu tư vào tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều năng lượng phục vụ cho quá trình sản xuất. Việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm đáng kể nhu cầu năng lượng với chi phí chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí đầu tư thêm nguồn cung cấp năng lượng mới.

     Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp khi được vay vốn từ dự án cần tập trung đầu tư nguồn lực cho đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi trên thực tế, lợi ích của việc quản lý năng lượng và lợi nhuận thu được từ tiết kiệm năng lượng có thể bù đắp cho chi phí đầu tư cũng như giảm chi phí giá thành sản phẩm.

 

Bình Minh

Ý kiến của bạn