09/06/2017
Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản (châu Á), Đức, Anh, Pháp, Hà Lan (châu Âu) đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh (TTX) với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc - một trong những quốc gia đi đầu về TTX cho thấy, ngay từ năm 2008, Hàn Quốc đã dành 80% trong gói kích cầu kinh tế khoảng 38,1 tỷ USD cho sự chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh. Chiến lược quốc gia về “TTX, các bon thấp” của Hàn Quốc xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng là 2,7% (năm 2009), 3,78% (năm 2013) và hơn gấp đôi lên đến 6,08% (năm 2020); Đồng thời, đề ra mục tiêu trung hạn giảm phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ xuống còn 30% vào trước năm 2020 (đây là mức cắt giảm phát thải cao nhất do IPCC đề xuất).
Tại các nước trong khu vực như Lào cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình TTX quốc gia. Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết sau khi ban hành lộ trình TTX quốc gia. Để TTX, Trung Quốc cũng tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao... Chỉ riêng trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo, mỗi năm, Trung Quốc đã kiếm được 17 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 10 triệu người.
Tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại đảo Hawaii, Mỹ, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Honolulu, trong đó, xác định cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh, các bon thấp, nâng cao an ninh năng lượng và tạo nguồn mới cho tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Năm 2012, APEC phát triển danh mục hàng hóa môi trường (hàng hóa xanh) và sẽ giảm thuế quan đối các mặt hàng này vào cuối năm 2015, xóa bỏ rào cản phi thuế quan bao gồm các yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa đối với các dịch vụ và hàng hóa môi trường.
Để thúc đẩy các mục tiêu TTX, APEC sẽ thực hiện các biện pháp như giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng của APEC vào năm 2035 so với năm 2005, kết hợp các chiến lược phát triển về thải carbon thấp vào các kế hoạch tăng trưởng kinh tế thông qua dự án Thành phố mẫu carbon thấp...
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đó là cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc đó là cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững... Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của TTX chủ yếu bao gồm các vấn đề: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; Giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; Xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; Bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; Cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; Xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.
Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy TTX hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối các quốc gia đang phát triển, TTX còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”.
Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình TTX, bền vững là mô hình được mọi quốc gia mong đợi.
Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng các nước thành viên ASEM thúc đẩy mô hình TTX nhằm mục tiêu cùng hành động để xanh hóa ASEM làm hạt nhân cho quá trình xanh hóa nền kinh tế toàn cầu.
Nguyệt Minh