05/05/2018
Thái Lan đã đạt mức tăng trưởng kinh tế mức cao nhất trong vòng 5 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2018 nhờ mức tăng mạnh của hoạt động xuất khẩu và sự mở rộng của các nền kinh tế đối tác.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng kinh tế nhanh đã gây ra nhiều vấn đề môi trường cho quốc gia này. Hiện, Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, khan hiếm nước, suy giảm đa dạng sinh học, nạn phá rừng, xói mòn đất và vấn đề rác thải. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, chi phí Thái Lan phải trả cho việc khắc phục ô nhiễm không khí và nước lên đến khoảng 1,6 - 2,6% GDP mỗi năm.
Trước đó, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ bảy (1992 - 1996), Thái Lan đã tuyên bố rằng, BVMT là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Kế hoạch này nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững và ổn định, đặc biệt trong ngành công nghiệp hóa dầu, kỹ thuật, điện tử và các ngành cơ bản. Tuy nhiên, do việc thực hiện chưa triệt để và quyết liệt nên hiệu quả mang lại không cao.
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu, Chính phủ Thái Lan đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ hơn. Ngày 1/10/2015, Thái Lan đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) tới Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đó, Chính phủ Thái Lan cam kết giảm 20 - 30% lượng khí nhà kính (KNK) phát thải vào năm 2030. Đồng thời, ngày 22/4/2016, Thái Lan đã ký Thỏa thuận Pari về BĐKH, nhất trí kiểm soát mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2oC so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (khoảng những năm 1850). Thái Lan đã đưa những cam kết quốc tế này vào chính sách quốc gia, được đề cập trong Kế hoạch Tiết kiệm Năng lượng, cụ thể, giảm mức độ sử dụng năng lượng xuống 30% vào năm 2036, so với mức năm 2010, cũng như Kế hoạch tổng thể về BĐKH đến năm 2050.
Gần đây nhất, tháng 2/2018, Chính phủ nước này đã có một bước đi quan trọng bằng cách đệ trình hai Dự án hỗ trợ "Các hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA) lên Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH: Làm xanh nhà ở có thu nhập thấp và trung bình, cải tạo lại các tòa nhà Chính phủ Thái Lan theo hướng xanh hóa. NAMA được giới thiệu lần đầu trong Hội nghị các bên tham gia Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH tổ chức tại Cancun, Mêxicô tháng 12/2010. Đây được coi là một công cụ để cho các nước đang phát triển có thể thực hiện các biện pháp giảm nhẹ KNK phù hợp với điều kiện, mục tiêu phát triển quốc gia của đất nước; với sự hỗ trợ về kĩ thuật, tài chính và tăng cường năng lực từ các nước phát triển.
Nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc và sự tham gia của các bên liên quan, Thái Lan sẽ triển khai 2 Dự án trên, thông qua các giải pháp khuyến khích phát triển các công trình bền vững, tiết kiệm năng lượng, vừa giảm phát thải KNK, trong khi vẫn đảm bảo nhà ở giá rẻ cho người dân. Ngoài Thái Lan, Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc cũng sẽ hỗ trợ cho 3 quốc gia khác là Inđônêxia, Philippines và Việt Nam nhằm đưa ra các giải pháp của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư vào các tòa nhà tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, Thái Lan sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở và xây dựng của mình chuyển hướng theo các tiêu chuẩn xanh. Các dự án sẽ đề cập đến vấn đề thiết kế của các tòa nhà, tối ưu hóa các công trình cải tạo, bao gồm ở các khía cạnh như: Vật liệu, năng lượng, các thiết bị tiết kiệm nước, các giải pháp giảm thiểu chi phí xanh hóa các công trình.
Với các cam kết mới về việc xây dựng các công trình xanh của Thái Lan sẽ cắt giảm 304.000 tấn khí CO2 phát thải mỗi năm, trong đó việc xanh hóa các công trình của Chính phủ trong bản cam kết sẽ giúp giảm bớt 1.600 tấn khí CO2 mỗi năm. Nếu dự án có thể được mở rộng tới tất cả 639 tòa nhà Chính phủ Thái Lan, lượng khí CO2 cắt giảm có thể cao hơn nữa, tới 98.800 nghìn tấn khí CO2 trong một năm, tương đương lượng khí thải của khoảng 60.000 xe hơi. Dự kiến, Thái Lan sẽ hoàn thành việc cải tạo các tòa nhà Chính phủ vào năm 2022 và các dự án phát triển nhà ở vào năm 2023.
Mặt khác, Thái Lan cũng phối hợp với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) - một tổ chức có chức năng kết nối khu vực tư nhân với các Chính phủ để thực hiện các dự án nhằm cắt giảm khí thải và tăng cường tính hiệu quả của năng lượng sử dụng trong nền kinh tế. Theo đó, GGGI sẽ đứng ra làm việc trực tiếp với các công ty sản xuất ô tô, dầu cọ và hải sản đông lạnh nhằm cung ứng lộ trình cần thiết trong việc xanh hóa dần các hoạt động của họ. GGGI đã tạo không gian xanh cho nhiều thành phố trong khu vực Đông Nam Á, với các dự án điện mặt trời và quản lý chất thải ở Việt Nam, các dự án cải thiện điều kiện vệ sinh tại Campuchia và điện lực tại Lào. Riêng tại Thái Lan, với đà phát triển kinh tế rất nhanh, các công ty đang đầu tư mạnh vào việc thực hiện các dự án tăng trưởng xanh, với sự hợp tác và hỗ trợ của GGGI.
Tổng giám đốc của GGGI Frank Rijsberman cho rằng, hiệu quả về năng lượng trong công nghiệp đang là cơ hội duy nhất có thể giúp Thái Lan đẩy mạnh chính sách về kinh tế, môi trường để biến nhiều thành phố của nước này thành những đô thị xanh của khu vực và trên thế giới.
Lưu Trang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)