10/01/2018
TP. Hồ Chí Minh có nguồn phát thải khí nhà kính lớn với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông đô thị chiếm đến 45%.
Mặt khác, lượng phát thải khí nhà kính theo bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh là 4,2 tấn CO2 tương đương, cao nhất trong mạng lưới các TP lớn trên thế giới cam kết giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu. Vì vậy, kiểm soát phát thải khí nhà kính trong hoạt động giao thông đô thị, góp phần giảm phát thải khí nhà kính đang là vấn đề môi trường cấp bách đối với TP. Hồ Chí Minh.
Phương tiện vận tải có thể tăng 30%
Qua số liệu thống kê phương tiện xe cơ giới tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2010, TP có khoảng 4,5 triệu xe máy và 420.000 ô tô, đến năm 2017, con số này là 7,5 triệu xe máy và 790.000 ô tô. Dự đoán vào năm 2020, lượng phương tiện tăng khoảng 30% với khoảng 9 triệu xe máy và gần 800.000 ô tô. Trong khi đó, có hàng triệu xe gắn máy, nhất là xe đã quá hạn sử dụng, xe tự chế cùng với các loại ô tô, xe tải thải ra các chất như bụi, khí CO, CO2, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí.
TP. Hồ Chí Minh đầu tư nhiều xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Kết quả đo đạc chất lượng không khí năm 2017 so với năm 2016 của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nồng độ khí CO, CO2, NO2, hạt bụi lơ lửng PM10 có xu hướng tăng ở một số trạm đo tại khu vực An Sương, Phú Lâm, Cát Lái, Hàng Xanh. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, trong chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, TP đưa ra chỉ tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chưa đạt được so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do TP còn gặp khó khăn trong việc đánh giá, định lượng chỉ tiêu này vì việc đánh giá tỷ lệ lượng ô nhiễm giảm đòi hỏi phải triển khai đề án đánh giá lượng xe lưu thông các loại trên đường, đo đạc mức độ phát thải của từng loại xe, xây dựng tải lượng phát thải thì mới có thể so sánh. Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ sử dụng kết quả tại 12 điểm quan trắc không khí giao thông để đánh giá kết quả sơ bộ.
Thực hiện nhiều giải pháp
Để đạt được mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông vận tải, thời gian tới, TP sẽ tiến hành các giải pháp cơ bản như triển khai biện pháp hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, điều tiết nhu cầu giao thông. Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư thực hiện Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”.
Đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai đến các đơn vị tham gia đề án đầu tư thay thế 1.680 xe buýt (Đề án 1680) sang sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Tính đến tháng 11/2017, TP có 9 xe điện, 101 xe chạy khí CNG trên tổng số 2.595 xe buýt công cộng, đạt 4,24%. Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp với đơn vị tư vấn, các quận, huyện triển khai công tác khảo sát, phỏng vấn hộ gia đình và đang hoàn chỉnh báo cáo giữa kỳ. Một số giải pháp được đặt ra để nghiên cứu cụ thể, như lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP, với mức phí đảm bảo để tác động giảm số lượng phương tiện lưu thông vào khu vực trung tâm TP; Lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường các loại phương tiện giao thông đường bộ theo mức khí thải khi lưu hành; Xây dựng khung giá dịch vụ giữ phương tiện với hướng lũy tiến theo giờ và lũy tiến theo khu vực từ ngoại ô vào trung tâm TP; Quy định mức phí đậu xe khu vực trung tâm phù hợp nhằm hạn chế việc đậu xe. Đồng thời, rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng xe công theo quy định; kiên quyết xử lý, thu hồi xe sử dụng không đúng quy định; rà soát các quy định về hạn chế và cấp phép cho ô tô vận tải lưu thông trong khu vực trung tâm TP.
Bên cạnh đó đó, Sở Giao thông Vận tải TP cũng tiếp tục điều tra, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng, tiến tới xác định số lượng xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và BVMT để đề xuất các biện pháp xử lý; Rà soát, thống kê số lượng mô tô, xe gắn máy 3 - 4 bánh vận tải hàng hóa trên địa bàn (xe tự chế, xe không đăng ký...), tiến tới ngưng hoạt động các loại phương tiện này; Quy định đối với chủ sở hữu ô tô trên địa bàn TP phải mở tài khoản, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế hoạt động đối với xe máy vào năm 2030 tại một số khu vực trung tâm, khu vực có tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra nghiêm trọng; Triển khai thí điểm đường dành riêng cho xe đạp trong một số khu đô thị.
Phạm Đình (Theo sggp.org.vn)