31/05/2017
Thế giới cần nỗ lực hết sức để tăng cường hành động cho đến khi giảm lượng khí phát thải xuống mức cho phép và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Đây là khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres trong bài phát biểu chính thức đầu tiên về khí hậu kể từ khi nhậm chức.
Phát biểu tại Đại học New York ngày 30/5, TTK Guterres nhấn mạnh, tình trạng BĐKH là không thể phủ nhận và điều then chốt là thế giới cần hợp tác để chống lại vấn đề này. Do đó, LHQ sẽ tăng cường các cam kết chính trị cấp cao để nâng tiêu chuẩn hành động chống BĐKH. Những cam kết đưa ra trong Hiệp định Pari về BĐKH đều mang tính lịch sử, song vẫn chưa đủ để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở dưới mức 2 độ C và xuống gần mức 1,5 độ C.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Đề cập đến việc Mỹ đang cân nhắc rút khỏi Hiệp định Pari, TTK Guterres nêu rõ, kể cả khi Chính phủ quyết định rút khỏi hiệp định, các TP, các bang, công ty, doanh nghiệp vẫn có thể giữ vững cam kết.
Hiện nay, LHQ vẫn đang hợp tác và thuyết phục Washington duy trì các cam kết, song ông Guterres cũng kêu gọi các nước đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa và duy trì tiến độ trong trường hợp bất kỳ chính phủ nào hoài nghi về mong muốn và sự cần thiết của hiệp định này.
TTK Guterres cũng bày tỏ tin tưởng nền kinh tế xanh sẽ mang lại tương lai tươi sáng và theo đuổi công nghệ xanh sẽ là tiêu chuẩn vàng cho sự lãnh đạo kinh tế trong thế kỷ 21.
Thời gian tới, LHQ sẽ hợp tác với các chính phủ cũng như lãnh đạo các ngành liên quan tới vấn đề ô nhiễm môi trường để tăng cường sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu và phát triển trong việc định giá các bon. Đồng thời, LHQ sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao vào năm 2019 để đánh giá các tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện Hiệp định Pari.
Đến nay đã có 196 nước tham gia Hiệp định Pari về BĐKH. Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Bích Hồng