Banner trang chủ

Tăng trưởng xanh: Thời cơ và thách thức

25/11/2017

     Tăng trưởng xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó, các doanh nghiệp (DN) được coi là chủ thể quan trọng nhất, đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu bền vững của quốc gia.


     Con đường phát triển đúng đắn

     Trong thời gian qua, cụm từ phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để đảm bảo cho phát triển bền vững, nhiều phương thức tăng trưởng đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đã xuất hiện, trong đó có khái niệm tăng trưởng xanh. Trên thế giới, nhiều nước công nghiệp phát triển đã đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế xanh, như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc...

     Với Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dù có thành tựu nhưng tăng trưởng kinh tế nước ta còn dựa chủ yếu vào các yếu tố theo chiều rộng là chính, thiếu bền vững, chủ yếu khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Trong bối cảnh đó, vấn đề tăng trưởng xanh đang nổi lên như một phương thức tăng trưởng mới, bảo đảm được mục tiêu BVMT sống và phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay là một yêu cầu cấp bách đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, nếu như không muốn bị tụt hậu so với các nước trên thế giới và khu vực. Đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, tăng nhiều đóng góp của các yếu tố tổng hợp trong GDP là những yêu cầu sống còn của nền kinh tế, đặc biệt tăng yếu tố công nghệ xanh, tạo động lực phát triển mới. Trên thực tế, tăng trưởng xanh còn là một bộ phận của phát triển bền vững, tập trung vào môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính trên cơ sở công nghệ xanh và tạo ra động lực phát triển mới. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là con đường phát triển đúng đắn không chỉ trong trước mắt mà còn là trong lâu dài...

     Thách thức và thời cơ cho các DN

     Nếu tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thì DN được coi là chủ thể quan trọng nhất trong xu thế này bởi DN đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt vấn đề tăng trưởng xanh, BVMT sẽ giúp các DN phát triển bền vững, thông qua các hoạt động, như tuân thủ pháp luật về BVMT, kiểm soát ô nhiễm, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên…

     Tuy nhiên, các DN Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện trách nhiệm xã hội về BVMT, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh... cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT.

     Theo đánh giá của một số chuyên gia, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các chính sách, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn một khoảng cách lớn để chính sách đi vào đời sống và được chuyển biến ở một tầm mới; cam kết của DN và cộng đồng đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn rất hạn chế. Phần lớn người dân và DN chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây được coi là điểm yếu của DN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, nhu cầu tài chính để triển khai thực hiện các hoạt động về tăng trưởng xanh trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giảm dần cũng đang là một thách thức lớn.

     Hiện nay, Việt Nam với hơn 95% DN là nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ của DN về cơ bản vẫn đang ở giai đoạn áp dụng, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Mặc dù vậy, đây cũng là một cơ hội cho các tổ chức tài chính và DN Việt Nam khi thúc đẩy phát triển tài chính xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính các định chế tài chính, cho các DN được vay vốn và cho cả cộng đồng. 

   Trung Thảo (Theo Tạp chí Tài chính)

Ý kiến của bạn