06/04/2018
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh, toàn TP hiện có 542,96 ha công viên cây xanh, đạt bình quân 0,69 m2/người. Trong đó, khu vực nội thành cũ (13 quận) có diện tích 324,73 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích công viên cây xanh, đạt bình quân 0,8 m2/người; Khu vực quận mới (6 quận) có 171,09 ha, chiếm 31,51% tổng diện tích, đạt bình quân 0,73 m2/người; Khu vực ngoại thành (5 huyện) có 47,13 ha, đạt bình quân 0,31 m2/người.
Những năm gần đây, diện tích mảng xanh của TP chủ yếu phát triển theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn 2012 - 2016, tổng diện tích mảng xanh của TP chỉ tăng thêm khoảng 101,7 ha, trong đó, diện tích công viên công cộng tăng thêm khoảng 4,8%; công viên thuộc các dự án khu dân cư tăng thêm 18,2%; diện tích mảng xanh công cộng như tại các dải phân cách, tiểu đảo, vỉa hè, nút giao thông... tăng thêm 76,99 ha, chiếm 77%. Theo đánh giá của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, việc phát triển này chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, nhất là đối với các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như quận 7, 2, 9, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè...
Tại các khu dân cư ở những quận nội thành, hệ thống mảng xanh, công viên đang thiếu trầm trọng. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở các khu vực chưa có quy hoạch đô thị đã hình thành những khu dân cư tự phát với mật độ cư trú dày đặc nhưng thiếu khoảng không gian xanh, không gian công cộng. Điều này dẫn đến môi trường sống bị ô nhiễm, gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân. Trong khi đó, ở các dự án khu dân cư mới, trước đây, chủ đầu tư thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng công viên cây xanh theo quy hoạch, làm cho dự án kém hấp dẫn và gặp khó khăn trong việc phát triển, hình thành khu dân cư có chất lượng sống tốt.
Công viên Tao Đàn (quận 1) - một trong những "lá phổi xanh" của TP
Mặt khác, một số công viên đang bị chiếm dụng để tổ chức hội chợ, triển lãm khiến không gian sinh hoạt của người dân bị thu hẹp. Sau mỗi lần triển lãm, hội chợ, thảm xanh của công viên bị giẫm đạp gây mất mỹ quan. Một số công viên bị các bãi giữ xe, quán cà phê chiếm dụng diện tích...
Năm 2017, Sở GTVT đã đề xuất chương trình phát triển công viên, mảng xanh giai đoạn 2017 - 2022. Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND các quận, huyện, sở, ngành liên quan rà soát, báo cáo quỹ đất quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng, đánh giá về tính khả thi đối với các khu đất quy hoạch đất cây xanh nhưng chưa được đầu tư xây dựng nhằm hạn chế tình trạng có quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện. Đồng thời, rà soát, đề xuất các quỹ đất công khác để bổ sung ngay vào quy hoạch nhằm bảo đảm chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn phù hợp theo chỉ tiêu đất cây xanh trong Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025. Đối với quỹ đất có thể thực hiện phát triển công viên, mảng xanh như: Đất cây xanh công cộng, cây xanh cách ly, đất hành lang ven sông rạch, đất công thu hồi... phải xây kế hoạch, hình thức đầu tư, phủ xanh phù hợp.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2018, TP dự kiến triển khai xây dựng thêm 5 công viên gồm: Bình Triệu (quận Bình Thạnh), quy mô 2 ha; phường Thạnh Lộc (quận 12), quy mô 2,5 ha; phường Bình Thọ (quận Thủ Đức), quy mô 5.000 m2; khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây (quận 12), quy mô 1.000 m2; Trung Mỹ Tây 17 (quận 12), quy mô 3.100 m2...
Tuy nhiên, để công viên cây xanh theo kịp quá trình đô thị hóa cần có tầm nhìn dài hạn hơn. Khuôn viên cây xanh không đơn thuần là để cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị mà còn là giải pháp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu. Quá trình phát triển mảng xanh công viên, mảng xanh trục giao thông, mảng xanh khu di tích, bảo tồn, mảng xanh nhà cao tầng... cần trồng các loại cây thích hợp nhằm tạo cảnh quan cũng như phù hợp với các hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa đô thị...
Bảo Bình (Theo nhandan.com.vn)