12/03/2018
Những năm qua, Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hợp tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch tăng trưởng xanh (TTX) tại Việt Nam, phát triển năng lực kỹ thuật và quản lý để thực hiện mục tiêu TTX, phổ biến các sáng kiến TTX tại Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, hợp tác triển khai Chiến lược TTX của Việt Nam thông qua việc thiết kế các kế hoạch đầu tư và khuôn khổ thể chế hiệu quả. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Frank Rijsberman - Tổng Giám đốc GGGI về quan hệ đối tác toàn diện và khuôn khổ hợp tác để thúc đẩy TTX giữa GGGI và Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Frank Rijsberman - Tổng Giám đốc GGGI
PV: Xin ông cho biết, vai trò và những đóng góp của GGGI trong khu vực cũng như đối với Việt Nam?
Ông Frank Rijsberman: GGGI là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập vào năm 2012, có trụ sở chính tại Seoul và Việt Nam là một trong những nước thành viên sáng lập của tổ chức. GGGI cùng với các quốc gia thành viên khác triển khai lập kế hoạch và thực hiện TTX, thông qua việc xây dựng chính sách đến phát triển các dự án có khả năng tiếp cận nguồn tài chính.
Tại Việt Nam, GGGI triển khai các chương trình về tài chính xanh (TCX) với Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng bộ hướng dẫn tăng cường TCX cho khu vực công, bao gồm làm việc với Quỹ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) để tăng cường TCX cho các DN. Đối với Bộ Xây dựng, triển khai đô thị TTX ở cấp độ chính sách (Hợp tác để phát triển Bộ các chỉ số đô thị TTX thông qua Thông tư số 01/2018/TT- BXD về đô thị TTX và các nghiên cứu khả thi cho các dự án xanh). Bộ Công Thương, tập trung về năng lượng tái tạo, hiện đang tập trung vào lĩnh vực năng lượng sinh khối với các Công ty mía đường và lập kế hoạch phát triển năng lượng sinh khối cho tỉnh Sóc Trăng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai chính sách thúc đẩy TTX của Việt Nam thời gian qua?
Ông Frank Rijsberman: Việt Nam đã ban hành Chiến lược TTX vào năm 2012 và triển khai Kế hoạch hành động TTX vào năm 2014, đồng thời đưa ra các mục tiêu cụ thể về TTX hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững. Trong quá trình xây dựng Chiến lược TTX, GGGI đã chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc để Việt Nam tham khảo, qua đó đặt nền móng cho việc thực hiện mục tiêu TTX. Giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải quyết một số vấn đề cấp thiết hơn như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng than đá và thực hiện kế hoạch quản lý chất thải rắn bền vững ở các tỉnh/thành phố. Ngoài ra, GGGI tiếp tục cùng với Chính phủ Việt Nam hỗ trợ để thúc đẩy kế hoạch hành động TTX trở thành nền mong cho sự hợp tác lâu dài trong tương lai.
PV: Những thuận lợi và khó khăn lớn nhất thúc đẩy hoạt động TTX của Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Frank Rijsberman: Một trong những lợi thế lớn của Việt Nam đó là sự phong phú về năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và thủy điện, trong khi đó chi phí cho năng lượng tái tạo hiện nay đang mức cạnh tranh với năng lượng than đá. Hiện điện gió ở Việt Nam khoảng 159 MW, dự kiến đến năm 2035 đạt từ 10 - 12 GW; năng lượng mặt trời hiện từ 21 - 40 GW vào năm 2035. Gần đây, Chính phủ đã đưa ra một biểu giá điện hỗ trợ cạnh tranh cho năng lượng mặt trời thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư tư nhân. Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ có biểu giá điện hỗ trợ đối với năng lượng gió và năng lượng sinh khối để sử dụng các tiềm năng to lớn trong năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Báo cáo "Thúc đẩy đầu tư cho năng lượng tái tạo" của GGGI xem xét 6 quốc gia ở châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin, Inđônêxia, Thái Lan và Việt Nam) cho thấy, mặc dù biểu giá điện đặt ra ban đầu khá cao để thúc đẩy thị trường điện tái tạo, nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm xuống. Một khi các nhà đầu tư có thể nhận thấy một môi trường pháp lý vững chắc để thu lại chi phí, họ sẽ đầu tư khi biểu giá điện thấp hơn. Theo kinh nghiệm thế giới, các thị trường mới luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhưng khi đã được thiết lập thì biểu giá điện sẽ có thể giảm rất nhanh. Ví dụ, biểu giá điện hỗ trợ tại Ấn Độ cho năng lượng mặt trời là khoảng 16 cent/kwh trong năm 2010 nhưng nay đã giảm xuống còn khoảng 4 c/kwh .
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Tổng Giám đốc GGGI
Frank Rijsberman ký biên bản hợp tác về triển khai hoạt động TTX
Tuy nhiên, một trong những rào cản quan trọng nhất để thúc đẩy TTX tại Việt Nam là việc phát triển các dự án tốt có thể thu hút TCX và tài chính khí hậu. Có rất nhiều nguồn vốn đầu tư xanh để tìm kiếm các dự án tốt nhưng Việt Nam cần phải phát triển các dự án có khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là sử dụng tài chính từ khối tư nhân. Đây là một lĩnh vực quan trọng mà GGGI sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tương lai.
PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của thế giới về triển khai TTX và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam?
Ông Frank Rijsberman: Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc lồng ghép TTX vào quá trình quy hoạch đô thị. Chính quyền địa phương của Hàn Quốc đã nỗ lực không chỉ để tạo ra các thành phố mới đáp ứng cho dân số thành thị đang gia tăng mà còn để cải tạo các thành phố hiện có nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Một số hoạt động thúc đẩy TTX đã được thực hiện thành công tại các thành phố của Hàn Quốc gồm: quy hoạch không gian nhằm giảm phát thải khí nhà kính; lồng ghép vào kế hoạch phát triển giao thông của thành phố giảm cường độ năng lượng; mở rộng áp dụng cơ sở hạ tầng xanh… Do đó, Việt Nam cũng có thể học hỏi từ hệ thống giao thông công cộng thông minh tại Hàn Quốc. Hệ thống giao thông công cộng của Seoul tích hợp với hệ thống vé và thẻ liên tuyến cung cấp những kinh nghiệm kết nối việc đi lại thông suốt và không bị gián đoạn, tạo ra động lực mạnh mẽ để mọi người hướng tới hệ thống giao thông xanh và sạch.
Một số kinh nghiệm khác về thúc đẩy năng lượng tái tạo, đó là Canberra, thủ đô của Ôxtrâylia phấn đấu vào năm 2020, 100% các dự án năng lượng tái tạo được triển khai thông qua hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công cộng, trường học, nhà ở, cũng như các nhà máy năng lượng mặt trời và điện gió quy mô lớn. Vương quốc Anh cũng đã giảm sự phụ thuộc vào điện than từ hơn 40% xuống dưới 10% trong 10 năm, chủ yếu qua năng lượng gió giá rẻ. Tại Đức, năm 2017, năng lượng mặt trời phi tập trung do nông dân, các hộ gia đình và thành phố… đáp ứng nhu cầu năng lượng của toàn quốc. Ở Ấn Độ, giá năng lượng mặt trời quá thấp khiến Chính phủ phải từ bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy điện đốt than mới.
PV: Để thực hiện TTX, đi đôi với bền vững môi trường trên nền tảng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cần những điều kiện gì, thưa ông?
Ông Frank Rijsberman: Hiện nay năng lượng tái tạo đã và đang trở thành dạng năng lượng rẻ, nhanh chóng thay thế nhiên liệu hóa thạch. Trong khoảng 10 năm tới, những chiếc xe điện sử dụng năng lượng sạch sẽ có thể thay thế động cơ đốt trong. Viêc chia sẻ các loại xe tự động như xe Uber tự lái có thể cắt giảm chi phí vận chuyển, giảm số lượng xe 3 lần như hiện nay... Điều đó sẽ giúp tổ chức lại các thành phố xanh và thông minh nơi các công viên và nông nghiệp đô thị sẽ thay thế các tuyến đường cao tốc.
Từ kinh nghiệm nêu trên, Chính phủ và nhà đầu tư ở Việt Nam phải đảm bảo đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng xanh và giao thông. Với sứ mệnh và hoạt động của GGGI sẽ hỗ trợ và hợp tác với các nước thành viên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang con đường phát triển kinh tế xanh. Chúng tôi thấy những cơ hội to lớn mà Việt Nam đang triển khai và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên GGGI, vì mục tiêu tăng trưởng bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Đình (Thực hiện)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018