08/09/2017
Với những chính sách phát triển các công trình xanh (CTX) hiệu quả, hiện nay, Singapo đã trở thành quốc đảo xanh, có môi trường sạch đẹp, hiện đại và chất lượng sống cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Singapo đặt mục tiêu, đến năm 2030, 80% các tòa nhà của TP sẽ được chứng nhận là CTX, với các vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, có nhiều không gian xanh.
Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về CTX
Với một quốc gia có diện tích nhỏ, chỉ 697 km² và hầu như không có tài nguyên như Singapo thì việc xây dựng các CTX là rất cần thiết để đảm bảo tính bền vững. Đây chính là một trong những giải pháp hiệu quả để Singapo giảm thiểu lượng phát thải cácbon, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước, giảm chất thải ra môi trường. Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ Singapo đã thành lập Cơ quan Xây dựng quốc gia (BCA) nhằm tiến hành xanh hóa ngành xây dựng và phát triển các CTX. Năm 2005, BCA đã ban hành Chứng nhận CTX Green Mark (GM) - một công cụ đánh giá và xếp hạng CTX thông qua hệ thống các tiêu chí để đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng như tính bền vững của các tòa nhà, đặc biệt là được xây dựng ở vùng nhiệt đới. Theo đó, muốn đạt được Chứng nhận GM, các tòa nhà phải đáp ứng được tiêu chí như hiệu quả về sử dụng năng lượng, nước, BVMT, chất lượng môi trường bên trong, các sáng kiến làm cho CTX... Kể từ khi được ban hành đến nay, Chứng nhận GM đã được sửa đổi một vài lần, với những yêu cầu phức tạp hơn nhằm áp dụng cho nhiều loại tòa nhà, không gian xây dựng khác nhau, đáp ứng nhu cầu và sở thích của nhiều người sử dụng. Đồng thời, BCA đã đưa ra 4 loại Chứng nhận GM để đánh giá phân loại các CTX: Đạt Chứng chỉ GM (từ 50 điểm đến < 75 điểm), GM vàng (từ 75 đến < 85 điểm), GM vàng + (từ 85 đến < 90 điểm), GM Bạch kim (≥ 90 điểm), trong đó tiêu chí về tính hiệu quả sử dụng năng lượng được tính điểm cao nhất. Hiện nay, BCA đã xây dựng được 9 bộ tiêu chuẩn CTX cho 9 loại công trình, quy hoạch hạ tầng đô thị.
Khách sạn Parkroyal là một CTX điển hình ở Singapo |
Năm 2006, BCA đã công bố Chương trình tổng thể CTX lần thứ nhất, trong đó tập trung vào 4 nội dung: Thúc đẩy lĩnh vực tư nhân thực hiện CTX, cung cấp gói hỗ trợ 20 triệu đô la Singapo để khuyến khích các chủ đầu tư tư nhân xây dựng tòa nhà xanh; Luật hóa tiêu chí CTX; Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển về xây dựng CTX; Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn CTX cho các chuyên gia. Đặc biệt, năm 2008, BCA tiến hành sửa đổi Luật Kiểm soát Xây dựng để đưa ra các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đối với các tòa nhà mới. Đến năm 2009, Chương trình tổng thể CTX lần thứ hai được ban hành nhằm đạt được môi trường xây dựng bền vững vào năm 2030, trong đó tập trung vào các công trình công, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân xây dựng CTX; áp dụng công nghệ xanh và nâng cao nhận thức về CTX. Chương trình chia làm 2 giai đoạn: Thực hiện đối với các công trình xây dựng mới và các công trình đang tồn tại. Chương trình đề ra mục tiêu, đến năm 2030, 80% số công trình đạt Chứng nhận GM.
Với những chính sách rõ ràng, chỉ trong 8 năm (từ 2005 - 2013), số tòa nhà xanh ở Singapo đã tăng gấp hàng trăm lần, từ 17 lên gần 1.700 công trình. Nhận thấy những lợi ích và cơ hội phát triển CTX, đầu năm 2014, BCA tiếp tục xây dựng Chương trình tổng thể lần thứ 3, đồng thời tăng thêm vốn hỗ trợ đầu tư vào CTX. Để thực hiện hiệu quả các Chương trình tổng thể CTX, BCA đã hợp tác chặt chẽ với chủ đầu tư để giám sát, theo dõi thường xuyên việc vận hành của các máy móc, thiết bị làm mát trong công trình nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng. BCA cũng khuyến khích, các tòa nhà đạt Chứng nhận phải được đánh giá lại 3 năm 1 lần để xem xét tính bền vững môi trường của các công trình.
Theo tính toán của các chuyên gia, các CTX ở Singapo có chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn khoảng 5% so với các công trình thông thường, nhưng hầu hết chi phí này được bù đắp trong vòng 7 năm sau khi đưa công trình vào sử dụng. Vì thế, mỗi năm, các chủ đầu tư tiết kiệm được hàng triệu đô la Singapo từ ứng dụng kiến trúc xanh trong xây dựng các công trình. Trước những lợi ích kinh tế dài hạn mà các giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả mang lại, những năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư xây dựng các công trình theo tiêu chí CTX, với nhiều loại công trình khác nhau: Trường học, thư viện, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, khu chung cư, công viên...
Hỗ trợ tài chính để phát triển các CTX
Một yếu tố quan trọng giúp Singapo thực hiện thành công chương trình phát triển các CTX đó là nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Bên cạnh nguồn tài chính hỗ trợ từ Chính phủ, Singapo còn có 35 quỹ tài trợ và chương trình khuyến khích đối với các dự án kiến trúc xanh, CTX; chương trình hỗ trợ phát triển và cung cấp năng lượng sạch, tái tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; xử lý nước thải... Các quỹ, chương trình này phục vụ cho tất cả các dự án CTX, không phân biệt thuộc lĩnh vực tư nhân, hay Nhà nước, trong đó, có thể kể đến một số chương trình và quỹ nổi bật như: Chương trình tài trợ cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các CTX (BREEF) nhằm cung cấp một khoản vay tín dụng cho những dự án cải tạo các công trình hiện có thành CTX, với số tiền vay tối đa lên tới 5 triệu đô la Singapo thời hạn vay có thể kéo dài đến 8 năm; Chương trình khuyến khích đạt Chứng nhận GM cho công trình hiện có (GMIS-EB) có giá trị lên đến 100 triệu USD để khuyến khích nhà đầu tư và người sở hữu công trình cải thiện hiệu năng sử dụng năng lượng; Quỹ Nghiên cứu công trình thân thiện môi trường của Bộ Phát triển quốc gia, với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 50 triệu USD nhằm hỗ trợ khoảng 30% - 75% chi phí xây dựng đối với các dự án được BCA kiểm tra là đủ điều kiện CTX… Nhờ đó, các nhà đầu tư và người sở hữu công trình giảm được gánh nặng về chi phí chuyển đổi công trình thường thành CTX.
Ngoài ra, sự thành công của chương trình phát triển CTX tại Singapo có được là do sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành từ các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức giáo dục, cho đến doanh nghiệp, nhà đầu tư… Đặc biệt, hàng năm, Singapo đều tổ chức các chương trình quảng bá về CTX để khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng hướng đến môi trường sống xanh hơn. Vì vậy, tiến trình phát triển CTX của Singapo diễn ra ngày càng nhanh và thuận lợi, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới, với tỷ lệ xây dựng CTX cao. Đến giữa năm 2013, gần 200 dự án xây dựng tại hơn 10 quốc gia (Trung Quốc, Malaixia, Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia…) đã xin cấp Chứng nhận GM. Chương trình Chứng nhận GM của Singapo cũng là tài liệu tham khảo cho các nước khác xây dựng hệ thống xây dựng xanh. Hiện tại, BCA đang hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) để thúc đẩy các mục tiêu bền vững môi trường trong xây dựng trên toàn cầu.
Nguyễn Thị Hương
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017