21/09/2017
Năng lượng tái tạo (NLTT) mang lại cơ hội chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên sang hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch để phát triển bền vững.
Đó là điều đã được thế giới khẳng định, song đối với Việt Nam, sử dụng năng lượng sạch vẫn đang là bài toán khó.
Ngại đầu tư
Các nguồn NLTT như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… được coi là những giải pháp bền vững cho bài toán an ninh năng lượng của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Ở các nước trên thế giới, DN rất quan tâm đến năng lượng xanh. Những công ty đa quốc gia như Mars, Coca-Cola, HP, IKEA… đều đã có định hướng cụ thể cho việc sử dụng 100% năng lượng tự nhiên vào 10 năm hoặc chậm nhất là 20 năm tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo phản ảnh của các doanh nghiệp (DN), những khoản đầu tư cho giải pháp năng lượng đòi hỏi đầu tư rất cao, trong khi đó, khả năng thu hồi lại khó, mất nhiều thời gian. Đơn cử như trường hợp hệ thống năng lượng mặt trời, thời gian thu hồi vốn tính từ 10 đến 20 năm. Do đó, việc thu hút đầu tư vào phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam đang gặp khó khăn.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, NLTT có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế hiện nay. Do đó, cần có sự tương tác giữa những người làm chính sách, các nhà khoa học, DN, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng
Nhận định về tính ưu việt của NLTT, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng cho rằng, NLTT mang lại cơ hội chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên sang hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch để phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội tiếp cận năng lượng cho người nghèo, khu vực vùng sâu, vùng xa, với sự phát triển nhanh chóng về mặt công nghệ, giá cả của NLTT cũng không còn xa xỉ.
Tiềm năng cần khai thác
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn xoay quanh câu chuyện bài toán an ninh năng lượng, nhằm tăng nguồn NLTT thay vì tiếp tục chạy các nhà máy nhiệt điện than tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thất lớn cho môi trường.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, cần phải có những thay đổi trong Quy hoạch điện VII. Theo đó, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần được cập nhật và sửa đổi theo hướng giảm nhiệt điện than, tăng tỉ trọng NLTT, bởi quy hoạch này không đồng bộ với các chính sách năng lượng và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Nếu tiếp tục xây dựng mới khoảng 40 MW nhiệt điện than vào năm 2030 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia và Việt Nam sẽ bị phụ thuộc hầu hết vào nguồn than nhập khẩu.
Được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển NLTT, cùng với sự tiến bộ về khoa học, công nghệ, NLTT không những cạnh tranh về mặt kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường. Do đó, Việt Nam cần tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hạn chế các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, kém hiệu quả, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nên khuyến khích và đầu tư vào các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhằm giảm nhu cầu sản xuất năng lượng.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chi phí sản xuất điện mặt trời đang giảm xuống trên khắp thế giới. Việt Nam đang có bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc xây dựng nhanh và sản xuất điện sạch. “Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện năng của đất nước với các giải pháp tái tạo bền vững như phát triển thủy điện, tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tăng tính hiệu quả của lưới điện trong truyền tải, phân phối” - ông Ousmane Dione khẳng định.
Bảo Bình (Theodaidoanket.vn)