03/05/2018
Nằm ở nơi giao thoa của hai con sông Willamette và Columbia, Portland là TP đông dân thuộc tiểu bang Oregon, Mỹ. Từng đứng thứ hai trong danh sách “Những TP gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới”, thế nhưng hiện nay, với việc thực hiện hiệu quả kế hoạch “xanh”, Portland được xem là TP tiên phong trong giảm lượng khí thải CO2 và tạo ra rất nhiều sáng kiến xây dựng xanh cho toàn nước Mỹ.
TP xanh bền vững
Portland không phải là thủ đô nhưng là trung tâm kinh tế sôi động nhất của tiểu bang Oregon. Được thành lập vào năm 1851 với dân số ban đầu 800 người, phần lớn là người da đỏ bản địa, TP Portland hiện tại có diện tích 375 km2 và khoảng 600.000 dân.
Màu sắc chủ đạo của TP là màu xanh, xuất hiện phổ biến trên xe bus, tàu điện và nhiều tòa nhà. Hơn 30 năm trước, Portland đã dẫn đầu quy hoạch xanh bằng cách phá bỏ một tuyến đường cao tốc sáu làn và phát triẻn công viên bờ sông tại đó. Hiện tại ở Portland có khoảng 92.000 mẫu Anh không gian xanh (1 mẫu anh = 0,4 ha), 4000 ha công viên cây xanh, 119 km đường đi bộ, đi xe đạp cùng hơn 25 triệu ha rừng và trang trại.
Trong lĩnh vực giao thông xanh, nếu như hầu hết các TP của Mỹ ít sử dụng xe đạp thì ngược lại tại Portand đây lại là phương tiện phổ biến và được yêu thích. Theo thống kê, khoảng một phần tư người dân ở đây đi xe đạp để làm việc, có 16.700 lượt người chạy xe đạp đi qua 4 cây cầu chính của TP mỗi ngày, hay có tới 4000 hoạt động liên quan đến đạp xe diễn ra mỗi năm… Cùng với đó, hệ thống xe bus và tàu điện được bố trí, kết nối khoa học. Chỉ với 5 USD cho một vé cả ngày, hành khách có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào (bus hay tàu điện), bất cứ tuyến giao thông nào mà họ muốn (đi sân bay, khu dân cư, trung tâm thương mại, hay các TP vệ tinh). Việc xây dựng các tuyến đường xe đạp và xe điện, song song với đó là khuyến khích người dân giảm lưu thông bằng xe hơi là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền địa phương trong xây dựng một TP thịnh vượng và bền vững.
Portland được mệnh danh là “TP hoa hồng” nhưng không chỉ có hoa hồng, Portland còn tự tô điểm cho mình với các loại cây lá đa sắc và lễ hội hoa “mùa nào thức nấy”. Trong tiết xuân ấm áp tháng 4, dòng Willamet như tấm gương trong veo được khoác thêm vòng nguyệt quế của hoa đào. Những cơn mưa bất chợt tháng 5 không làm nản lòng người hướng đến nông trại vùng Woodburn để được đắm chìm trong lễ hội hoa Tulip. Tháng 6, TP sôi động và sặc sỡ như một cô gái La tinh dưới cái nắng hè gay gắt, lễ hội hoa hồng và các loại penonies. Tháng 7, sắc tím ngút ngàn của hoa oải hương gợi một cảm giác dịu nhẹ, giúp xua bớt cái nóng giữa hè. Tháng 9 và 10 là thời khắc chuyển mùa, sắc xanh của lá dần được thay thế bởi sắc vàng, tím, đỏ, cam…
Về kiến trúc xanh, Portland là một trong số ít những TP của Mỹ không phá rừng, phá núi để làm nhà mà lựa từng đoạn địa hình để xây dựng, như là một phần của thiên nhiên. Thế nên trong phố mà nhiều đoạn tưởng đi trong rừng vậy. Ngay công sở cũng phần lớn là những tòa nhà thấp và chìm trong vườn xanh, bãi đỗ xe khổng lồ cũng xanh ngắt và đẹp như công viên, còn nhà thì phần lớn là nhà gỗ được thiết kế ẩn hiện giữa lá và hoa.
Điều đặc biệt, ở Portland gần như tuyệt đối không có bụi hay rác, vỉa hè sạch bóng tới từng viên gạch. Tất cả khu trung tâm hay ngoại ô, nơi công cộng cũng như khu vực cá nhân đều đặt thùng rác có ghi rõ phân chia từng loại rác bên vỏ thùng. Rác thải được yêu cầu phân loại hữu cơ, vô cơ ngay ở từng hộ gia đình, khiến việc thu gom và xử lý hiệu quả hơn. Dọc các tuyến phố, rất nhiều những cột điện là thân cây mộc cũ kỹ, thẳng tắp chứ không phải cột bê tông. Người Portland còn treo cả giỏ trồng hoa cực trên mỗi cột điện ấy, thậm chí vẽ hoa trên nắp cống hay nắp đường điện ngầm trên đường… Điều này lý giải vì sao Portland luôn được mô tả như là một đô thị kiểu mẫu về xanh và phát triển bền vững. Portland đứng thứ ba trong top 15 TP phát triển bền vững nhất nước Mỹ năm 2009; Xếp số 1 trong 50 TP xanh nhất nước Mỹ năm 2008 và 2012; Top 10 TP xanh, sạch, đẹp, đáng sống nhất thế giới năm 2015; Top 7 TP sạch đẹp nhất thế giới năm 2017 cùng với Brisbane (Úc), Stốckhôlm (Thụy Điển), Kobe (Nhật Bản)…
TP đầu tiên của Hoa Kỳ lập kế hoạch giảm thải chất gây hiệu ứng nhà kính
Portland là TP đầu tiên ở Mỹ áp dụng kế hoạch hành động về khí hậu, giảm thải chất gây hiệu ứng nhà kính vào năm 1993. Đến năm 2015, Portland đã thông qua kế hoạch hành động về khí hậu lần thứ tư và khẳng định lại mục tiêu giảm tổng lượng phát thải các bon xuống 80% dưới mức năm 1990 vào năm 2050. TP đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Giảm phát thải khí các bon trong các hoạt động của TP 53% so với năm 2006 - 2007; Phát triển và mua 100% toàn bộ điện cho hoạt động TP từ nguồn năng lượng tái tạo; Giảm hoạt động sử dụng năng lượng trong TP 2% hàng năm; Tái chế 90% rác thải từ hoạt động của TP vào năm 2030… Để làm được điều này, Kế hoạch xác định hơn 170 hành động như: tạo ra khu phố đi bộ với mua sắm, nhà hàng và công viên; đầu tư vào xe điện lưu thông, lề đường đi bộ, đường xe đạp; bảo vệ và phục hồi các khu vực tự nhiên… Đến nay, 142 hành động (chiếm 83%) đã được hoàn thành.
Không chỉ tràn ngập không gian xanh, Portland cũng là một trong những đô thị dẫn đầu nước Mỹ về việc sử dụng năng lượng sạch để phục vụ cho hệ thống giao thông công cộng và các tòa nhà. Hiện TP có tới 50 công trình đáp ứng hoặc vượt tiêu chuẩn của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ, hơn 180 tòa nhà thiên nhiên được chứng nhận LEED, ba triệu cây và bụi cây mới đã được trồng ở các vùng tự nhiên của Portland từ năm 1996 thông qua công tác tái phủ xanh của TP, cải thiện chất lượng không khí, sức khoẻ của các lưu vực sông địa phương và giúp làm mát môi trường đô thị.
Ngoài ra, từ năm 2010, TP đã cung cấp 100 % năng lượng từ các nguồn tái tạo, bao gồm các phương pháp tiếp cận sáng tạo như đỗ xe năng lượng Mặt trời. Năm 2015, Sở Giao thông vận tải Portland đã khởi công dự án tiết kiệm năng lượng lớn nhất TP, thay thế 45.000 trong số 55.000 đèn đường thành đèn LED. Nhờ đó, tiết kiệm được 1,5 triệu đô la một năm trong chi phí bảo trì và năng lượng. Hơn nữa, việc chuyển đổi sang sử dụng đèn LEED còn giúp ngăn ngừa khoảng 10.500 tấn ô nhiễm các bon mỗi năm. Bên cạnh đó, năm 2016, TP ban hành “Trái phiếu xanh”, được sử dụng để thanh toán số dư trên thẻ tín dụng và cung cấp tiền mới để thanh toán trực tiếp chi phí chuyển đổi đèn đường phố của TP và các hệ thống chiếu sáng ngoài trời.
Dù là TP lớn nhất tiểu bang Oregon, Portland lại có vẻ bề ngoài khá mơ màng và nhịp sống chậm rãi thích hợp để nghỉ dưỡng. Có lẽ vì không khí nơi đây trong lành mát dịu, đi đâu cũng thấy những khu nhà cổ nằm trên đồi được bao bọc bởi hàng cây lâu đời, đường sá uốn lượn với những con dốc thơ mộng vắng bóng xe hơi. Với kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả cùng hệ thống giao thông thân thiện với môi trường và kiến trúc xanh được quy hoạch hợp lý, Portland xứng đáng là TP xanh cho nhiều đô thị khác học tập.
Cây xanh phủ kín mọi nẻo đường ở Portla
Lê Tùng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)