Banner trang chủ

Ngành Xây dựng từng bước triển khai theo tiêu chuẩn đô thị bền vững

05/10/2017

   Tăng trưởng xanh (TTX) được xác định là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, ngày 11/5/2017 Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 419/QĐ-BXD về ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về TTX đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ thống nhất hành động và triển khai thực hiện trong ngành Xây dựng. Lĩnh vực phát triển đô thị là một nội dung xuyên suốt trong 6 nhóm hành động cơ bản của Kế hoạch, bao gồm: Rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Xây dựng từ quan điểm phát triển bền vững; Rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch cải tạo đô thị theo tiêu chuẩn đô thị bền vững; Cải thiện hạ tầng kỹ thuật theo hướng bền vững ở một số đô thị chọn lọc; Đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng theo hướng xanh hóa; Khuyến khích phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) và xây dựng xanh. Với vai trò là động lực chủ đạo phát triển kinh tế đóng góp hơn 70% GDP của đất nước, phát triển đô thị TTX có vai trò và ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ của Kế hoạch mà ngành đã đề ra, thiết thực đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Đô thị xanh bền vững đang là xu hướng ưu tiên đầu tư tại nhiều tỉnh/TP

   Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và trong nước nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, định hướng chính sách, kế hoạch hành động TTX và ứng phó BĐKH ngành Xây dựng. Xu hướng đầu tư xây dựng và phát triển các khu đô thị sinh thái, thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng đang trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy Chương trình phát triển công trình xanh Việt Nam và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bên. Chính quyền các đô thị cũng đã chú trọng đến tầm quan trọng của công tác bảo vệ TN&MT, xác định đó là một yếu tố trọng tâm gắn với chất lượng tăng trưởng của đô thị. Tiêu biểu là các đô thị như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Trà Vinh. Nhiều giải pháp sáng tạo đã và đang được nghiên cứu triển khai áp dụng trong cách làm thực tế tại đô thị, khuyến khích thu hút sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng xã hội như: Làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam), dự án cầu đi bộ tại Cần Thơ, đề án Làng đô thị xanh tại Lâm Đồng…

   Theo báo cáo thống kê ban đầu của 59 đô thị từ loại IV trở lên trong cả nước vào tháng 4/2015, có 24/59 đô thị đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện đô thị TTX. Trong đó, có 7 đô thị đã xây dựng Nghị quyết chỉ đạo, 15 đô thị đã xây dựng kế hoạch, 6 đô thị đã có chương trình thực hiện. Một số các đô thị đã ban hành Chiến lược TTX và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, nhìn chung các đô thị đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX của quốc gia, do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

   Thứ nhất, khái niệm đô thị TTX còn mới ở Việt Nam, chưa có nhận thức chung về đô thị TTX. Trong khi đó, thông qua các chương trình, dự án hợp tác với tổ chức quốc tế như ADB, WB, JICA, DANIDA, UN Habitat, OECD…, có nhiều mô hình phát triển đô thị gần gũi với quan điểm đô thị TTX với các tên gọi khác nhau đã và đang được nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam như đô thị xanh, đô thị sinh thái (Eco City), đô thị kinh tế - sinh thái (E2 City), đô thị kinh tế - môi trường và công bằng (E2 and Equity City), đô thị thông minh (Smart City, Ubiquious City)... Quan niệm của mỗi tổ chức quốc tế lại có sự luận giải và áp dụng các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực và trình độ phát triển khoa học công nghệ, thị trường phục vụ, truyền thống và đặc điểm điều kiện tự nhiên...

   Thứ hai, chưa có quy định thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX. Do đó, chính quyền địa phương chưa có căn cứ để tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, cập nhật các chỉ tiêu trong các định hướng phát triển đô thị như quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, cũng như nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách cụ thể nhằm thực hiện và thúc đẩy phát triển đô thị theo định hướng TTX. Việc thu hút ưu tiên đầu tư xây dựng đô thị và đánh giá hiệu quả mục tiêu đầu tư so với nhiệm vụ TTX còn gặp nhiều khó khăn. Các đô thị chưa triển khai thực hiện có hệ thống và thực sự phát huy hiệu quả sự tham gia của các cấp chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội. Công tác theo dõi, đánh giá thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị TTX cũng chưa được triển khai định kỳ, phát hiện các vấn đề tồn tại, bất cập để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) hàng năm và 5 năm của các đô thị.

   Thứ ba, chưa có hình mẫu thực hiện thành công mô hình xây dựng đô thị TTX. Các đô thị tiêu biểu đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện các nỗ lực về TTX cũng mới chỉ thành công bước đầu trong một số lĩnh vực riêng biệt như giao thông công cộng giảm phát thải, xanh hóa đô thị, phát triển công trình xanh... Quan điểm phổ biến hiện nay là không có một mô hình chung có thể áp dụng cho mọi đô thị. Mỗi đô thị cần đánh giá toàn diện thực trạng phát triển để từ đó xác định định hướng, chiến lược và lộ trình thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị TTX cho từng bối cảnh, đặc điểm và điều kiện phát triển KT-XH cụ thể của đô thị.

   Nhằm hỗ trợ các đô thị trên cả nước thực hiện xây dựng đô thị TTX, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với các tổ chức quốc tế và trong nước để hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng cho các đô thị cũng như thúc đẩy việc hợp tác, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương. Đồng thời, từng bước triển khai áp dụng việc quản lý thực hiện xây dựng đô thị TTX trên cơ sở các chỉ tiêu cụ thể, làm căn cứ để đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư.

   Tình hình đô thị hóa trên toàn quốc cũng như xu hướng tác động của các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các đô thị phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực có tính cạnh tranh cũng như có hiệu suất cao. Xây dựng đô thị TTX sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị, đòi hỏi có sự thống nhất vào cuộc của các cấp, ngành cũng như các bên liên quan trong xã hội. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, đô thị TTX sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược TTX quốc gia.

TS.Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng

Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn