Banner trang chủ

Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0

09/07/2018

     Ngày 5/7/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0”. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng hơn 800 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ/ngành, doanh nghiệp, đại sứ quán, tổ chức quốc tế.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

 

     Mục tiêu của Hội nghị nhằm thảo luận về những vấn đề và giải pháp thúc đẩy hợp tác công - tư, đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia. Đồng thời, tập hợp kiến nghị chính sách là tiền đề xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân, từ đó, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

     Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là Hội nghị có quy mô về phát triển bền vững tại Việt Nam và là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành nhằm tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

     Thủ tướng tin tưởng rằng, sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thuận của xã hội và ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững cùng Chương trình Nghị sự 2030 với những kết quả tốt nhất, đặc biệt là trong bối cảnh tối ưu hóa mọi thành tưu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

     Tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, phát triển bền vững không còn là câu chuyện của những nước phát triển mà đã trở thành kim chỉ nam và là con đường duy nhất cho sự phát triển của thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang trở thành một xu thế bắt buộc. Tuy nhiên, nỗ lực của một mình Chính phủ là không đủ để thực hiện các mục tiêu tham vọng này, mà cần tất cả các bên trong xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững thông qua hoạt động kinh doanh của mình. Cụ thể là thông qua những giải pháp kinh doanh sáng tạo, có tác động mạnh mẽ, mang tính quy mô, có thể đo lường hiệu quả, có thể nhân rộng và vượt qua khỏi hình thức kinh doanh thông thường.

     Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam gợi ý, để thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần vận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực vốn có như thể chế, con người, nguồn lực tự nhiên, song song với việc nắm bắt các xu hướng lớn.

     Trong phiên làm việc buổi sáng, Hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung như: Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - một mô hình kinh tế mới của thế giới, nơi không có khái niệm chất thải và mọi nguồn lực đều được tận dụng triệt để và hiệu quả; tương lai của việc làm trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 - khi trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, tự động hóa lên ngôi thì vai trò của Chính phủ và khu vực tư là gì để bảo đảm công ăn việc làm cho mỗi người dân…

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Tham gia phiên buổi chiều của Hội nghị, các khách mời được lắng nghe các báo cáo, trình bày về Kế hoạch của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng TP thông minh từ đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và UBND TP. Hồ Chí Minh, cũng như gắn kết 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững trong hoạt động kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh từ HEINEKEN Việt Nam. Bên cạnh đó, tham luận từ lãnh đạo Bộ TN&MT, Coca-Cola Việt Nam, Ericsson Việt Nam và TBS Group đã cập nhật tình hình triển khai Thỏa thuận Pari, kế hoạch thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp để thực hiện thành công Thỏa thuận quan trọng này.

 

Nam Hưng

Ý kiến của bạn