28/09/2017
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/9/2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì hai phiên thảo luận chuyên đề về “Quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” và “Cơ chế huy động, phân bổ, quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.
Căn cứ kết quả 2 phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo những đề xuất, giải pháp về quy hoạch tổng thể và huy động nguồn lực.
Theo Bộ trưởng, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ các mục tiêu ứng phó với BĐKH của vùng ĐBSCL là khoảng 90.800 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cho vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi BĐKH và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan của BĐKH trong giai đoạn này là 105.000 tỷ đồng, chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải được xác định là “không hối tiếc” theo Kế hoạch châu thổ (MDP).
Bộ trưởng chỉ rõ những bất cập trong việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, cụ thể, chưa phân bổ thỏa đáng các nhiệm vụ, chương trình, dự án có tác động lan tỏa lâu dài đến sự phát triển bền vững của vùng cần ưu tiên thực hiện; Chưa tôn trọng nguyên tắc “Không hối tiếc” - ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro, sai lầm mà khó có điều kiện sửa chữa. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề BĐKH đối với tương lai của vùng, coi việc đầu tư cho các dự án BĐKH là trách nhiệm của Trung ương, ví dụ như việc đề xuất các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, chỉ có duy nhất một địa phương trong vùng đề xuất sử dụng nguồn vốn này cho dự án thủy lợi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH
Một vấn đề nữa là lựa chọn dự án đầu tư không xuất phát từ quy hoạch, dẫn đến dàn trải, lãng phí nguồn lực. Do chồng chéo trong các quy hoạch hiện nay, nhiều dự án đầu tư mới chỉ giải quyết vấn đề của từng ngành, từng địa phương, thiếu sự tính toán đến tác động tổng thể lên toàn vùng, đến các ngành khác, địa phương khác… làm giảm hiệu quả đầu tư của vùng.
Ngoài ra, hiện nay, chúng ta chưa có một cơ chế phù hợp, hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào vùng ĐBSCL, đặc biệt là các dự án liên quan trực tiếp đến ứng phó với BĐKH. Đầu tư theo phương thức PPP cũng còn nhiều bất cập. Việc thu hút các dự án BOT giao thông trong vùng tuy góp phần nâng cao sự liên kết giữa các địa phương nhưng lại làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, qua đó, giảm năng lực cạnh tranh của vùng.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cần xác định nguồn lực để phát triển bao gồm tài nguyên thiên nhiên, con người và nguồn lực tài chính. Huy động nguồn lực trước tiên phải xuất phát từ chính nội tại vùng ĐBSCL thông qua việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của vùng và thu hút đầu tư tư nhân trong, ngoài nước.
Sau phiên thảo luận, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực cho 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, cần xác định các dự án ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch tích hợp và kiến nghị của MDP để ưu tiên bố trí vốn trong giai đoạn 2018 - 2020 và 2021 - 2025.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án BĐKH đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, phải rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn (bao gồm cả trái phiếu chính phủ, ODA) chưa đủ điều kiện phân bổ hoặc không có khả năng giải ngân để ưu tiên đầu tư cho một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc danh mục các dự án “Không hối tiếc” theo MDP.
Đối với giai đoạn 2021 - 2025, giải pháp ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án ưu tiên theo Quy hoạch tích hợp, “Không hối tiếc”, các dự án sử dụng giải pháp mềm, phi công trình được đặt lên hàng đầu. Giai đoạn này sẽ tăng mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho vùng lên 20% trên tổng số ngân sách hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư các dự án ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch tích hợp và MDP cho ĐBSCL. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù sử dụng ODA cho các dự án BĐKH ở ĐBSCL.
Thanh Huyền (Theo chinhphu.vn)