02/03/2017
Cộng đồng dân cư sống trên các đảo do tách biệt với đất liền, nên thường gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh kế, y tế, giáo dục và các lợi ích xã hội khác. Ở nhiều đảo, các hoạt động kinh tế mang tính tự cấp, tự phát và thiếu các mô hình bền vững. Do vậy, cư dân trên nhiều đảo có mức sống, chất lượng cuộc sông thấp, hay gặp các rủi ro trong cuộc sống do thiên tai và bệnh tật. Đó là một trong những lý do quan trọng dẫn tới tình trạng cuộc sống không ổn định và di cư vào đất liền, hoặc nhiều đảo không thu hút được dân cư đến sinh sống.
Babardos là một trong những nước thành công khi triển khai mô hình KTX
Trong điều kiện như vậy, việc xây dựng mô kinh tế xanh (KTX) có ý nghĩa hết sức to lớn, đảm bảo phát triển bền vững dân cư và dân sinh - kinh tế trên các đảo, để cho mỗi đảo có dân là một pháo đài bảo vệ tổ quốc trên biển. Sau đây là một số mô hình KTX trên thế giới.
Mô hình KTX ở quốc đảo Barbados
Sự phát triển KTX ở các đảo dành được sự quan tâm đặc biệt từ các Chính phủ, đặc biệt là các đảo quốc đang phát triển có diện tích nhỏ. Là một quốc đảo nhỏ nằm ở khu vực Caribbea, Barbados có một nền kinh tế khá phát triển với nền tảng là dịch vụ du lịch, nông nghiệp và ngư nghiệp. Mặc dù sở hữu hệ sinh thái (HST) biển với mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, HST trên cạn của Barbados lại tương đối nghèo nàn. Đứng trước hàng loạt các mối đe dọa về môi trường, Barbados đã phát triển mô hình KTX phù hợp với điều kiện của đảo. Theo Chính phủ Barbados “KTX là sự đồng bộ hóa quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ cho đến hệ thống xử lý chất thải… Xác định trọng tâm phản ánh tính dễ tổn thương của HST đảo nhỏ, làm cơ sở cho việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ về chính sách, lựa chọn kinh doanh và đầu tư phù hợp; hướng tới phát triển con người và tạo thuận lợi cho Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu”. Định nghĩa này được coi là kim chỉ nam cho sự phát triển KTX ở Barbados. Các hoạt động nông, ngư nghiệp, du lịch, xây dựng… đều phát triển theo Chiến lược chung, được quy định chặt chẽ để hướng tới việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Một số mô hình kinh tế được xây dựng thành công ở Barbados:
Nông nghiệp được chuyển đổi từ mô hình canh tác truyền thống sang mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ. Nhà nước có những ưu đãi để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ đất hoang hóa thành đất trồng bông, sử dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, tiến hành cải tạo đất. Đồng thời, bảo lãnh phát hành chứng chỉ cho các trang trại đạt chuẩn canh tác nông nghiệp hữu cơ cũng như các chi phí khác như đầu tư làm nhà kính… Đặc biệt, trong ngành công nghiệp mía đường, xanh hóa lĩnh vực này, Chính phủ đã tái cơ cấu lại ngành, cho phép sự cả khu vực nhà nước và tư doanh cùng xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, nghiên cứu, phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, giải pháp tiết kiệm nước trong xử lý và chế biến hải sản được Chính phủ triển khai lắp đặt thiết bị theo dõi sử dụng nước tại các chợ cá khắp trên đảo. Đây là biện pháp quan trọng để thúc đẩy hiệu quả kinh tế bằng cách giảm chi phí đầu vào là phí sử dụng nước. Để phát triển công nghệ sạch trong lĩnh vực chế biến hải sản, một số phế phẩm của cá được sử dụng làm da và các sản phẩm có giá trị gia tăng khác như là phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Đối với lĩnh vực xây dựng, Chính phủ có nhiều đề án ưu đãi tài chính để hỗ trợ các hộ gia đình lắp đặt hệ thống bình nóng lạnh bằng năng lượng mặt trời. Năm 2002, Quốc đảo này đã lắp đặt được 35.000 hệ thống bình nóng lạnh năng lượng mặt trời, tiết kiệm được 100 triệu USD và khoảng 15.000 tấn nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ cũng triển khai một số dự án quang điện ở đảo. Hiện Quốc đảo đã có 250kW điện từ năng lượng mặt trời và là một trong những nước vùng biển Caribbean sử dụng công nghệ điện mặt trời hiệu quả nhất.
Đối với du lịch xanh, đây được đánh giá là một trong những giải pháp then chốt đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia. Khai thác hiệu quả các điểm du lịch và sản phẩm thủ công, mỹ nghệ; phát triển các tuyến du lịch di sản mới như tuyến đường mòn mía đường, các di tích cách mạng, cảnh quan đường bờ biển đẹp và các khu bảo tồn biển mới được thiết lập. Hiện du lịch là ngành kinh kế quan trọng và đầy tiềm năng cho khu vực; một số nước như Palau và Cook Islands, du lịch chiếm 50% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Mô hình KTX tại quốc đảo khu vực Thái Bình Dương
Các quốc gia khu vực Thái Bình Dương là các đảo nhỏ nằm rải rác trên diện tích biển rộng lớn, tương ứng với khoảng 1/3 diện tích Trái đất, với dân số hơn 10 triệu người. Ở đây đã triển khai một số chính sách KTX trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, nông nghiệp, thủy sản và bảo tồn biển. Một số nước đã có bước đi ban đầu để tạo ra môi trường thích hợp cho phát triển KTX thông qua việc sử dụng cơ chế chính sách tài chính và cơ chế mới để kích thích quá trình chuyển đổi.
Một trong những giải pháp để xanh hóa ngành nông nghiệp, đó là cải thiện sản xuất, thông qua biện pháp sử dụng hiệu quả các nguồn đầu vào (nước tưới tiêu, năng lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và phát triển các thiết bị bảo quản thực phẩm. Các biện pháp này góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường. Để chuyển dịch sang nền nông nghiệp xanh, Chính phủ phải đổi mới chính sách và đầu tư theo hướng khuyến khích thuế và tăng cường đầu tư cho hoạt động canh tác xanh. Điển hình như Hiệp hội Ca cao ở Vanuatu áp dụng phương thức canh tác hữu cơ vào trồng ca cao và sản phẩm này đã được xuất khẩu sang Pháp với giá thành cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại canh tác bằng phương pháp thông thường.
Chính phủ quốc đảo Babardos dành nhiều ưu đãi tài chính hỗ trợ các hộ gia đình
lắp đặt bình nóng lạnh bằng năng lượng mặt trời
Với thế mạnh, khai thác hải sản, nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế của nhiều cư dân sống trên các đảo, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nhiều biện pháp để bảo vệ vốn tự nhiên này. Theo Ngân hàng thế giới, chi phí hàng năm cho khai thác quá mức hải sản tại 5 quốc đảo khu vực Thái Bình Dương vào khoảng 67 triệu USD (chi phí nhập khẩu protein ngang bằng với khai thác hiện nay). Giải pháp khả thi để xanh hóa ngành thủy sản là thiết lập các vùng hạn chế khai thác theo mùa hoặc theo hạn định. Chính phủ có cơ chế chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng các thiết bị đánh bắt cá thân thiện với môi trường. Một số mô hình quản lý khai thác “xanh” ở cấp độ cộng đồng trong một số nước cũng được khuyến khích như các Hiệp hội Thủy sản. Hiệp hội tư vấn kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ… để các hội viên tham gia vào quá trình vận động chính sách vùng cùng quản lý nguồn lợi cá ngừ. Bên cạnh đó, một số quốc gia khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản có quy hoạch để thúc đẩy an ninh lương thực và làm giảm sức ép vào khai thác nguồn lợi.
Mặt khác, các quốc gia Thái Bình Dương đưa ra các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng mới, giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu. Hơn nữa, việc mở rộng nguồn năng lượng tái tạo là cơ hội tạo thêm công ăn việc làm và ổn định nền kinh tế cho các nước. Nhiều hộ gia đình ở các quốc gia này sở hữu thiết bị làm nóng bằng năng lượng mặt trời. Chính phủ nhiều nước đưa ra chính sách mới khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
Là các quốc gia trên đảo, do vậy du lịch là ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng cho khu vực. Du lịch có tiềm năng lớn tạo ra lợi nhuận, công ăn việc làm và tạo cơ hội cho các ngành kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, du lịch phát triển cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường và văn hóa bản địa. Do đó, mô hình sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng là giải pháp bền vững. Các mô hình này sử dụng sản phẩm địa phương, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch và quản lý hiệu quả chất thải. Chính phủ các nước có thể khuyến khích loại hình du lịch này bằng một số công cụ chính sách và đầu tư, ưu đãi thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất hoặc mua sắm công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm chất thải ô nhiễm…
Từ những kinh nghiệm nêu trên cho thấy, một mô hình KTX phải đảm bảo sinh kế bền vững: tăng thu nhập, thu hút người lao động trong lục địa, khai thác tài nguyên hợp lý, ít ảnh hưởng đến môi trường, xây dựng phát triển được cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan... Hiện Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về TTX từ năm 2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2014 - 2020, đây là căn cứ để các Bộ ngành triển khai kế hoạch hành động của mình. Trong định hướng “phát triển xanh lam” ở biển và đại dương có một số hướng mang tính chủ đạo được quốc tế khuyến cáo như: bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, phát triển thị trường các bon, tăng cường quản lý đáy biển, thay đổi phương thức quản lý nghề cá và nuôi trồng hải sản ở các cấp trong khu vực và quốc gia; đồng thời bình đẳng, không bao cấp và khai thác bền vững, thích ứng với quá trình dâng cao mực nước biển và biến đổi khí hậu. Phát triển mô hình KTX ở các đảo là mô hình kinh tế hiện đại, được tổ chức trong một không gian thống nhất. Mục tiêu chung của quản lý không gian đảo và các xã đảo là tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội và chủ quyền thu được từ các đảo và quần đảo.
Lê Xuân Sinh và các cộng sự
Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2017