08/06/2017
Trong khuôn khổ Hội nghị Các quan chức cấp cao của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đồng chủ trì Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững. Đối thoại tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng của đô thị hóa bền vững nhằm đề xuất các khuyến nghị chính sách hỗ trợ “Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc Đối thoại APEC Việt Nam 2017 |
Tham dự chương trình Đối thoại có Chủ tịch Hội nghị Các quan chức cấp cao APEC 2017 lần thứ hai (SOM2), đại diện các nền kinh tế của APEC, các cán bộ cao cấp thuộc Chính phủ, các đô thị trong APEC, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp và đại diện của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, trường Đại học và Viện nghiên cứu của Việt Nam...
Diễn đàn APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là một nền kinh tế có vị trí quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, việc xây dựng và phát triển bền vững đô thị ở Việt Nam hiện là nhiệm vụ trọng tâm của các khu đô thị mới, đẹp, hiện đại, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Trong quá trình phát triển đô thị, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ việc phát triển đô thị bền vững cần phải quy hoạch và tiến hành đồng bộ từ các nhà lãnh đạo, chính quyền tỉnh/thành phố, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư…
Buổi đối thoại đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, học giả, đại diện thành viên kinh tế APEC cũng như các đối tác phát triển trong và ngoài nước với hơn 20 bài tham luận về thực trạng đô thị tại Việt Nam, Chiến lược phát triển đô thị mới Việt Nam, báo cáo về Việt Nam năm 2035 - Quản lý đô thị hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế... Đặc biệt, trong phiên họp, đại diện quốc gia của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) - bà Lê Thị Mỹ Hạnh đã trình bày mô hình đô thị tăng trưởng xanh (TTX) cùng các chỉ số về phát triển bền vững do GGGI xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế gắn liền với Chiến lược quốc gia TTX và Kế hoạch hành động TTX Việt Nam.
GGGI là một tổ chức liên chính phủ được thành lập để hỗ trợ và khuyến khích mô hình tăng trưởng kinh tế mới - “TTX” nhằm các mục tiêu chủ chốt của phát triển kinh tế như giảm nghèo, tạo việc làm, hòa nhập xã hội và môi trường bền vững. GGGI hiện có 27 nước thành viên, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập và phê chuẩn Hiệp định thành lập từ năm 2012. GGGI hiện hợp tác với nhiều nước trên thế giới, giúp đỡ xây dựng năng lực và cộng tác với họ về các chính sách TTX có tác động đến hàng triệu người. Tổ chức này cũng hợp tác với các nước, các thể chế đa phương, các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ các nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và bền vững hơn, ít các bon và ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - đại diện quốc gia của Viện GGGI trình bày mô hình đô thị TTX |
Hiện nay các thử thách trong phát triển đô thị xanh (ĐTX) như cơ sở hạ tầng trong năng lượng tái tạo, vận tải, xử lý nước thải…vẫn còn khó khăn, khả năng tăng lượng phát thải cao và thiếu giám sát đánh giá. Mặc dù có nhiều thử thách nhưng phát triển ĐTX sẽ đưa ra nhiều cơ hội như tạo ra công việc xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao sự sẵn sàng của Chính phủ Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương trong tiếp cận nguồn tài chính để đối phó với BĐKH.
Qua đây, GGGI đã đưa ra mô hình đô thị TTX dựa trên Hướng dẫn phát triển ĐTX, bao gồm bộ chỉ số đô thị TTX giúp cho Chính phủ cũng như các tỉnh/thành phố có thể đo lường và quản lý tiến độ trong quá trình lồng ghép các khái niệm, hành động và sáng kiến xanh vào các khâu quản lý và quy hoạch không gian đối với các đô thị và thành phố trong Hệ thống Phân loại đô thị của Việt Nam. Bốn nhóm chủ đề chính trong Bộ chỉ số được cụ thể hóa trong các tiểu nhóm và chỉ tiêu: Tính bền vững về môi trường; Phát triển kinh tế; Hòa nhập xã hội; Khả năng đáp ứng của thể chế. Sự khác biệt của bộ chỉ số đô thị TTX là được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế nhưng luôn được cân nhắc cho phù hợp với bối cảnh phát triển đô thị Việt Nam và mang tính tổng quan, nhắm vào tính bền vững của nhiều mảng: môi trường, kinh tế, tính hòa nhập xã hội và khả năng của thể chế.
Chỉ số đô thị TTX được xây dựng dựa trên bối cảnh của Chiến lược TTX cùng với các tầm nhìn và mục tiêu của Chiến lược, đồng thời xem xét tính hợp lý của các chỉ số này trong tình hình cụ thể của Việt Nam. Chỉ số ĐTX cũng được xây dựng dựa trên các kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực, gồm: Chỉ số chương trình ĐTX của OECD; Chỉ số ĐTX của Economist Intelligence Unit (EIU); Khung tham chiếu đô thị bền vững của châu Âu: Khung chỉ tiêu đô thị toàn cầu và Phát triển đô thị bền vững toàn cầu do Ủy ban các vấn đề đô thị của Nhà Trắng (Mỹ) xây dựng.
Trong khuôn khổ buổi Đối thoại, Lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng với các đại diện từ các tổ chức phát triển trong và ngoài nước đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị và thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác. Theo đó, hầu hết các nhà lãnh đạo và đại biểu tham dự đều nhấn mạnh đến việc trao đổi kinh nghiệm trong đô thị hóa bền vững giữa các thành phố, chuyên gia trong các nền kinh tế APEC và việc tăng cường các mạng lưới hợp tác giữa các nền kinh tế APEC đối với sự bền vững về kinh tế và môi trường cho một tương lai chungn
Nguyễn Thanh Hằng
Tạ Thị Thanh Hương
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017