Banner trang chủ

Lào Cai: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường

04/04/2017

   Những năm qua, Lào Cai tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, du lịch... Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó đã tạo ra những áp lực lớn trong công tác quản lý tài nguyên và BVMT. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, băng giá, sương muối, rét đậm rét hại và hạn hán kéo dài có xu hướng gia tăng cả về tần số và cường độ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

KCN Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai

   Trước tình trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH. Qua đó, hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT ngày càng được hoàn thiện, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội; Công tác BVMT đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2016, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý khoảng 80%; Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên khoảng 53,8%; dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng lên 85,7%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên 61%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 66,1%. Đối với hoạt động xử lý chất thải y tế nguy hại, nếu năm 2012, chỉ có Bệnh viện Đa khoa số 1 (nay là bệnh viện Sản Nhi) được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải nguy hại, đến nay, cơ bản các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện được đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại, đưa tổng lượng chất thải y tế nguy hại được thu gom, xử lý triệt để tăng từ 35% lên trên 80% đối với thải rắn, từ 40% lên 75% đối với nước thải.

   Về cơ sở hạ tầng về BVMT tại các khu, cụm công nghiệp và các đô thị loại IV trở lên trên địa bàn tỉnh đang dần được đồng bộ. Hiện nay, KCN Đông Phố Mới được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 500 m3/ngày, đêm; KCN Tằng Loỏng đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 với công suất 3.000 m3/ngày, đêm (hiện đang vận hành chạy thử, dự kiến hết Quý I/2017 đi vào hoạt động chính thức); UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống xử lý nước thải KCN Tằng Loỏng (giai đoạn 2) với công suất 4.950 m3/ngày, đêm, dự kiến khởi công trong năm 2017... Trên cơ sở đó, chất lượng môi trường toàn tỉnh dần được kiểm soát; môi trường nông thôn có nhiều khởi sắc, bước đầu một số xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; chất thải tại các đô thị được quan tâm thu gom, xử lý đồng bộ; trong sản xuất công nghiệp doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn thải; năng lực ứng phó với BĐKH được tăng cường...

Đoàn viên, thanh niên khối các cơ quan tỉnh Lào Cai tham gia Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2016

   Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng được quản lý chặt chẽ, cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; qua đó góp phần tạo việc làm cho trên 10.000 lao động; nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai thác và tuyển khoáng sản đạt bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Đến nay, tình trạng khai thác trái phép cơ bản đã được xử lý. Đây là sự chủ động của địa phương và phối hợp liên ngành trong việc quản lý từ khai thác đến vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu khoáng sản đạt hiệu quả; không còn tình trạng khai thác và xuất khẩu quặng sắt trái phép; Hoạt động vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản (đặc biệt là vận chuyển quặng tại mỏ sắt Quý Xa) đã giảm tác động xấu đến môi trường, hạ tầng giao thông; tình trạng vận chuyển khoáng sản vượt tải trọng cơ bản đã được kiểm tra ngăn chặn.

   Bên cạnh những kết quả trên, hiện công tác quản lý TN&MT vẫn còn những tồn tại một số hạn chế: Quản lý đất đai ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ; Khiếu kiện về đất đai vẫn còn là vấn đề phức tạp; Giải quyết khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định tại một số địa phương thực hiện có nơi chưa đúng quy định, dẫn đến khiếu kiện của nhân dân. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tại các đô thị, KCN và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình phát triển; Chất thải rắn sinh hoạt khu đô thị chưa được phân loại triệt để tại nguồn; công tác ứng phó với BĐKH, bảo vệ đa dạng sinh học chưa được triển khai đồng bộ. Một số nơi, chính quyền cấp xã chưa thực sự chủ động trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, chưa chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm và báo cáo kịp thời về hoạt động thác khoáng sản trái phép tại địa phương, vẫn xảy ra tình trạng khai thác trái phép...

   Trong những năm tới, để chủ động ứng phó với BĐKH, bảo vệ TN&MT, tỉnh đã đề ra một số giải pháp:

   Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên; có kế hoạch khai thác hợp lý để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo..

   Thứ hai, chủ động, ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, phát triển đô thị và các vùng dân cư tập trung.

   Thứ ba, tăng cường phát triển và bảo vệ rừng đầu nguồn; BVMT nguồn nước; tổ chức điều tra chất lượng, trữ lượng các nguồn nước, nhất là nguồn nước ngầm để quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

   Thứ tư, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, quan trắc và phân tích môi trường; thực hiện khoanh vùng thiên tai nguy hiểm và chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, ổn định tái định cư. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH....

Phạm Trung Kiên

Phó Giám đốc, Sở TN&MT Lào Cai

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn