Banner trang chủ

Kinh nghiệm quốc tế về tiêu chí bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp sinh thái

29/06/2018

     Trong ngành công nghiệp, mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái được xem là lựa chọn tối ưu cho các KCN để triển khai áp dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, hướng đến phát triển bền vững.Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng hệ thống tiêu chí và chỉ tiêu nhằm đánh giá hiệu quả các hoạt động hướng tới phát triển bền vững của các KCN sinh thái.Hệ thống tiêu chí xác địnhKCN sinh thái gồm 3 nhóm chính: Kinh tế, xã hội vàmôi trường. Bài viết sẽtổng hợp những tiêu chí cơ bản về khía cạnh môi trường dựa trên kinh nghiệm của một số nước(Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Mêxicô và Đan Mạch) đã triển khai thành công mô hình KCN sinh thái và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

    Trung Quốc

     Trung Quốc hiện nay có 3 chương trình tập trung vào phát triển các mô hình sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm: KCN sinh thái kiểu mẫu (EIPs); KCN tái sử dụng (CTIP); KCN các bon thấp (ISC). Đối với chương trình EIPs, có 24 tiêu chí đánh giá để chuyển đổi KCN thông thường sang KCN sinh thái, trong đó các tiêu chí về môi trường được đề cập đến theo nhóm: Giảm và tái chế nguyên liệu; Kiểm soát ô nhiễm. Với chương trình CTIP, các tiêu chí về BVMT được đánh giá theo mức độ sử dụng, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và mức độ tạo ra chất thải. Đối với mô hình công nghiệp các bon thấp, trong hệ thống tiêu chí chuyển đổi bao gồm 23 tiêu chí, trong đó, nhóm tiêu chí BVMT được tập trung chủ yếu vào tái sử dụng và giảm chất thải, nước thải, nguyên liệu. Áp dụng các tiêu chí trên, KCN Guangxi (chế biến đường mía), Trung Quốc đã tăng 35% thu nhập từ bã mía (được sử dụng để sản xuất các sản phẩm giấy); bùn lọc được chế biến thành phân hữu cơ, tăng lên với giá 47,6 USD/tấn; nước thải được tái sử dụng, tiết kiệm tới 95.000 USD. Doanh thu bán hàng đạt 37 triệu USD thông qua cải thiện hiệu quả tài nguyên, bán sản phẩm mới và tiết kiệm chi phí.

     Mỹ và Hàn Quốc

     Hai nhóm tiêu chí môi trường được đặc biệt quan tâm trong quá trình xem xét đánh giá công nhận là KCN sinh thái bao gồm: Sử dụng tài nguyên trong quá trình sản xuất (năng lượng, nước, nguyên liệu); Các chất thải ra môi trường từ các hoạt động sản xuất (xả thải vào môi trường nước, không khí, chất thải rắn, chất thải nguy hại). Để đánh giá việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, các nhà quản lý môi trường ở Mỹ và Hàn Quốc đều sử dụng những tiêu chí: Đánh giá tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất; sử dụng năng lượng mặt trời, gió, điện nước và địa nhiệt; sử dụng nước; tiết kiệm nguyên vật liệu và tái chế; giải phát thải khí CO2. Số liệu của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 1/2018 cho thấy, các KCN sinh thái Ulsan Mipo và Onsan ở Hàn Quốc đã giảm phát thải CO2 trong giai đoạn 2015 - 2016 giảm được 665,712 tấn, tái sử dụng lại 79,357 tấn nước và tiết kiệm được 279,761 tấn dầu tương đương trong sử dụng năng lượng.

 

Kalundborg - KCN sinh thái đầu tiên tại Đan Mạch

 

     Đan Mạch

     Tuy các tiêu chí xác định KCN sinh thái dựa vào mục tiêu của từng KCN sinh thái muốn xây dựng nhưng các tiêu chí về môi trường đều được đánh giá thông qua việc giảm phát thải CO2, NOx, và SO2; giảm ô nhiễm không khí; mức độ tạo ra COD của KCN. Điển hình là KCN Kalundborg đã cho thấy lợi ích mang lại (từ năm 1972- 2003) được đánh giá thông qua kết quả: Giảm tiêu thụ nguồn tài nguyên (dầu:19.000 tấn/năm, than đá: 30.000 tấn/năm, nước: 600.000 m3/năm); Giảm lượng khí thải phát sinh: CO2: 130.000 tấn/năm, SO2: 3.700 tấn/năm; Tái sử dụng phế phẩm (tro: 135 tấn/năm, sulphua: 2.800 tấn/năm, thạch cao: 80.000 tấn/năm, nitơ trong bùn: 800.000 tấn/năm).

     Phần Lan

     Phân tích sự phát triển bền vững của KCN sinh thái trong thời kỳ 1990 - 2005, ngoài các tiêu chí kinh tế, xã hội thì các tiêu chí môi trường được các nhà khoa học Phần Lan sử dụng đánh giá chủ yếu là: giảm mức độ sử dụng tài nguyên không tái tạo; phát thải vào môi trường; sử dụng đất; các tác động đến sức khỏe con người và xã hội. Cụ thể, đối với nguồn tài nguyên không tái tạo, các tiêu chí được lựa chọn liên quan đến tái chế kim loại, chất thải, sử dụng phụ phẩm và nhiên liệu. Đối với lượng  phát thải vào môi trường, họ chú trọng vào việc phát thải các chất hóa học đặc trưng và xử lý, tái chế các chất thải này. Với loại hình sử dụng đất, Phần Lan quan tâm đến lượng gỗ và khoáng sản. Cuối cùng, các đánh giá dựa trên mức độ rủi ro đối với sức khỏe của sản phẩm đặc trưng và lợi ích xã hội. KCN sinh thái đầu tiên ở Phần Lan ở Rantasalmi, South Savo. Tại đây, chất thải của ngành công nghiệp gỗ được sử dụng để sản xuất điện cung cấp năng lượng cho sưởi ấm, các doanh nghiệp và cư dân ở khu vực. Năm 2005,KCN này đã giảm 183,636 tấn chất thải,tương đương 87,705 tấn CO2.

     Qua việc tổng hợp, phân tích các tiêu chí môi trường cơ bản xác định KCN sinh thái của một số nước trên thế giới cho thấy, mặc dù có nền kinh tế công nghiệp phát triển khác nhau nhưng nhìn chung, các tiêu chí về môi trường nhằm xác định KCN sinh thái đều được xây dựng dựa trên phương pháp phân tích dòng chảy nguyên liệu, giảm thiểu các tác động xấu vào môi trường,nhằm đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và BVMT. Bản chất của các KCN sinh thái là dựa trên nguyên tắc của cộng sinh công nghiệp. Do vậy, khi Việt Nam xây dựng các tiêu chí môi trường để xác định một KCN thông thường sang KCN sinh thái cần tập trung vào các nhóm vấn đề:  Phát thải vào môi trường (phát thải ở mức tối thiểu hoặc không phát thải thông qua việc  áp dụng các giải pháp giảm chất thải tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, trao đổi chất thải); Sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo;Loại bỏ chất thải, phát thải khí nhà kính, tái sử dụng phụ phẩm, xử lý chất thải hợp lý. Đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam phát triển KCN sinh thái bền vững.

 

Trần Thị Thu Anh

Viện Khoa học Môi trường

                              (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

 

         

 

 

Ý kiến của bạn