Banner trang chủ

Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Qũy Môi trường toàn cầu: Hợp tác để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030

05/07/2018

     Từ ngày 23 - 29/6/2018, tại TP. Đà Nẵng, khoảng 1.500 đại biểu là các Bộ trưởng phụ trách môi trường và quan chức cấp cao, lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, ngân hàng phát triển khu vực, tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 183 quốc gia thành viên tham dự các phiên họp trong khuôn khổ Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) nhằm cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu BVMT.

 

Phiên họp về “Hợp tác để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030”chiều ngày 27/6/2018

với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

     Kỳ họp lần này là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương, đồng thời, tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như: Ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững; Giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam… Việc Việt Nam được lựa chọn làm quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững.

     Tham dự Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 với vai trò được Chính phủ Việt Nam giao là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh (TTX) và phát triển bền vững, tiếp cận các nguồn lực quốc tế như GEF, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF)… Trong phiên họp về “Hợp tác để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030” diễn ra chiều ngày 27/6/2018, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có bài trình bày về “Tăng trưởng xanh - Cách thức hợp tác để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 (SDG 2030)” với một số nội dung chính như: Lồng ghép SDG vào các chính sách phát triển quốc gia; Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân: Vai trò của khu vực tư nhân, những trở ngại và thách thức để thực hiện SDG 2030 thông qua đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX của Việt Nam; TTX hỗ trợ việc thực hiện SDG của Việt Nam: Tác động trực tiếp và gián tiếp; Cập nhật tình hình xây dựng kế hoạch hành động TTX: 7 bộ, cơ quan ngang bộ, 39 tỉnh, TP đã ban hành kế hoạch hành động TTX đề xuất các kịch bản giảm phát thải, hoàn thiện thể chế chính sách với các dự án ưu tiên; Các phương án giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải trong đó có ngành hàng không, công nghiệp trong đó có ngành sản xuất xi măng và một số địa phương tiêu biểu thực hiện kế hoạch hành động TTX như tỉnh Ninh Thuận… góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; Các dự án về hiệu quả năng lượng với nguồn lực của GCF.

 

Phạm Đình

Ý kiến của bạn