Banner trang chủ

Kêu gọi phát triển năng lượng tái tạo để bảo vệ các quốc gia khu vực sông Mê Kông

28/03/2018

     Tại Diễn đàn “Lưu vực sông Mê Công trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” tổ chức ngày 20/3/2018 tại TP. Cần Thơ, Liên minh Cứu sông Mê Công cùng các đối tác đã đưa ra bản Tuyên bố chung nhằm thể hiện mối quan ngại trước những thách thức đối với dòng sông Mê Kông. Dưới đây là toàn văn bản Tuyên bố.

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

     “Nhân ngày Nước Thế giới, Liên minh Cứu sông Mê Công cùng các đối tác là các tổ chức xã hội và cộng đồng từ Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đưa ra bản Tuyên bố này nhằm thể hiện mối quan ngại của chúng tôi với dòng sông Mê Kông và các cộng đồng đang sống dựa vào dòng sông này.

     Loạt 11 dự án thủy điện lớn trên dòng chính sông Mê Công cùng với hơn 100 con đập được lên kế hoạch xây dựng ở các dòng nhánh đang tạo ra nguy cơ lớn đối với hệ sinh thái và nền kinh tế. Các dự án này tạo ra sự đe dọa đối với sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người. Chúng tôi vô cùng quan ngại bởi các dự án xây đập đã bỏ qua kiến thức bản địa, văn hóa và nguyện vọng của các dân tộc ở lưu vực sông Mê Công – những dân tộc mà sinh kế và tín ngưỡng của họ gắn bó mật thiết với dòng sông Mê Công.

     Quá trình quy hoạch và đưa quyết định xây dựng thủy điện và các hoạt động phát triển khác trên sông Mê Công hiện thiếu sự tham gia của công chúng, không đảm bảo sự công bằng giới, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đập Xayaburi và Don Sahong trên dòng chính hạ nguồn sông Mê Công hiện đã gần hoàn tất, tuy nhiên các thông tin toàn diện về các dự án này vẫn chưa được công bố, bất chấp các đề nghị liên tiếp từ cộng đồng, tổ chức xã hội và các bên liên quan khác. Các thông tin này bao gồm chi tiết về thiết kế dự án và các đánh giá về hiệu quả của các biện pháp giảm nhẹ tác động như cầu thang cá trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của lưu vực hay các tác động khác đối với hệ sinh thái. Bất chấp việc thiếu minh bạch, đập Xayaburi vẫn được coi như hình mẫu của các đập dòng chính sông Mê Công khác.

     Quá trình ra quyết định về thủy điện hiện nay được thực hiện trên từng dự án mà bỏ qua các tác động tích lũy và tác động ở quy mô khu vực. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ các nước hạ nguồn sông Mê Công và Ủy hội sông Mê Công Quốc tế đảm bảo rằng các kết quả từ Nghiên cứu Cộng đồng của MRC và các nghiên cứu lưu vực khác nhằm đánh giá về các tổn thất cũng như các đánh đổi trong các dự án này sẽ được cung cấp một cách có ý nghĩa cho quá trình ra quyết định của từng dự án đập.

     Chúng tôi nghi ngờ về sự cần thiết của việc phát triển các dự án thủy điện có tác động tiêu cực này trên lưu vực nhân danh mục tiêu đảm bảo năng lượng và nhu cầu phát triển của khu vực. Các công nghệ năng lượng tái tạo, quản lý nhu cầu và các biện pháp nâng cao tính hiệu quả năng lượng cần được cân nhắc đầy đủ khi tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các dự án đập có tác động tiêu cực trên dòng chính Mê Công và trên phạm vi toàn lưu vực. Chúng tôi đề nghị chính phủ các nước trong khu vực ưu tiên áp dụng các công nghệ tái tạo và năng lượng phi tập trung đang ngày càng khả thi và có giá cả cạnh tranh mà không gây ra các tác động xã hội và môi trường như các đập thủy điện quy mô lớn.

     Các đề xuất mua bán điện từ thủy điện không thể triển khai mà không tính đến thực tế rằng hiện nay các giải pháp an toàn và trách nhiệm giải trình đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng còn thiếu. Các kế hoạch nhập khẩu năng lượng từ Lào và Campuchia có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về quyền con người và suy thoái môi trường khi mà sự tham gia của công chúng và quá trình đồng thuận, cung cấp thông tin trước khi dự án được xây dựng còn yếu và thậm chí không tồn tại. Người dân Mê Công phải được tham gia một cách thực chất trong việc quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các đề xuất thương mại năng lượng.

     Khu vực Mê Công cần có tư duy lãnh đạo và tầm nhìn giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong khi vẫn bảo tồn được nguồn thủy sản giàu có của khu vực và nguồn nước, là những nguồn tài nguyên quan trọng để giảm nghèo và phát triển vì các thế hệ hiện tại và tương lai. Nếu chính sách của các quốc gia và khu vực đồng thuận khuyến khích năng lượng tái tạo, Mê Công có thể bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng bền vững thực sự mà không làm mất đi những lợi ích do dòng sông trù phú mang lại.”

 

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn