11/09/2017
Từ ngày 5 - 8/9/2017, tại Băng Cốc - Thái Lan, Uỷ ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) đã phối hợp với Môi trường Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và cũng dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Đơn cử, tại Yên Bái, 30 người chết hoặc mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sập, hàng chục ha đất canh tác bị chôn vùi, hàng chục gia súc, gia cầm bị cuốn trôi và các đường quốc lộ bị ngập nước là minh chứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, BĐKH và áp lực của quá trình hội nhập toàn cầu đối với sự bền vững môi trường của Việt Nam.
Nhằm chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững, trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, như: Chiến lược BVMT; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh; Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH; Chiến lược về phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Toàn cảnh Hội nghị
Ở bình diện quốc tế, để hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH, Việt Nam đã bổ sung mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (INDC) đến 8% khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường nếu sử dụng nguồn lực trong nước và có thể giảm thêm 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế đối với các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi đổi sử dụng đất, lâm nghiệp và quản lý chất thải.
Ở bình diện quốc gia, Việt Nam sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp lại thể chế, tạo môi trường xanh cho các thành phần kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, nhằm nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nhiều giải pháp, trong đó bao gồm đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững khu vực thông qua việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc thông qua và Thỏa thuận Pari về BĐKH. Những văn kiện này là nền tảng quan trọng để hình thành một kỷ nguyên mới của sự phát triển bền vững dựa trên mô hình phát triển kinh tế phát thải các bon thấp và Tăng trưởng xanh, thay thế mô hình phát triển kinh tế truyền thống dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ.
Quang Ngọc (Theo Monre)