Banner trang chủ

Hợp tác chặt chẽ với Việt Nam vì sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long

29/09/2017

     Tại Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra trong hai ngày 26 - 27/09, các đại sứ, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, Ngân hàng thế giới tham dự đều sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và chia sẻ với Chính phủ Việt Nam vì sự phát triển của ĐBSCL.

     Ông Hermen Borst, Phó Cao ủy Đồng bằng Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm quản lý và cách thức hoạt động tại Hà Lan để Việt Nam học hỏi. Ông Hermen Borst cho biết, ĐBSCL có những thách thức khá giống với đồng bằng Hà Lan như thừa nước trong lũ lụt, thiếu nước trong mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn... Đây là những thách thức đang tăng lên theo thời gian cả tần suất và tác động. Cũng như tại ĐBSCL, ở Hà Lan có chủ trương đẩy mạnh việc phối hợp liên vùng giữa Chính phủ và các tổ chức chính quyền quản lý tại địa phương để lập ra những kế hoạch hành động dài hạn.

     Theo ông Hermen Borst, đây chính là yếu tố quan trọng bởi Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn để có thể xây dựng những giải pháp hiệu quả; đặc biệt là đối với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Ông Hermen Borst cho rằng, tất cả những dự án, đề án đang tiến hành hiện nay cần phải dựa trên kế hoạch dài hạn này.

     “Tại Hà Lan, chúng tôi có Ủy ban chuyên trách cụ thể về vấn đề đồng bằng, có vai trò rất hữu ích trong việc kêu gọi hợp tác giữa các bên có liên quan”, ông Hermen Borst cho biết.

 

Ông Hermen Borst, Phó Cao ủy Đồng bằng Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan

 

     Trong khi đó, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; đại diện WB nhấn mạnh tầm quan trọng trong phối hợp liên ngành, đa ngành; có sự thống nhất trong nhận thức, hành động, hợp tác chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, giữa chính quyền với khu vực tư nhân để phản ứng linh hoạt với những biến động, phát triển bền vững ĐBSCL; WB kiến nghị các giải pháp quả cảm, mạnh mẽ thu hút, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chuyển đổi mô hình sản xuất, lấy tầm nhìn toàn khu vực cho các lựa chọn đầu tư; vốn hóa các lợi ích cạnh tranh, lợi ích so sánh; xây dựng quỹ phát triển ĐBSCL...

     Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Giám đốc Quốc gia UNDP Louis Chamberlain khuyến cáo một số nội dung để phát triển bền vững ĐBSCL: Đẩy mạnh hợp tác liên chính phủ; xây dựng cách tiếp cận tổng thể mang tính chiến lược, tránh trùng lặp chính sách; bảo đảm các nguồn lực phát triển hiệu quả; có cách tiếp cận về tài chính phù hợp (nhánh công, nhánh tư), huy động mạnh mẽ hơn các nguồn vốn nước ngoài, tư nhân; đẩy mạnh chia sẻ thông tin; xây dựng mô hình thích ứng rủi ro; sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm; ngăn chặn hạn hán, xâm nhập mặn; phát huy được các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng; chú trọng tới nhóm người dễ bị tổn thương; không để ai bị bỏ lại phía sau...

 

Giám đốc Quốc gia UNDP Louis Chamberlain 

 

     Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger nhấn mạnh việc hợp tác vì sự phát triển của ĐBSCL, khẳng định Chính phủ Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết những thách thức này. Đại sứ Đức cũng bày tỏ đồng tình với việc cần thành lập Hội đồng phát triển vùng để điều phối chung; đẩy mạnh chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo giá trị cao hơn; phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án chống sạt lở, sụt lún; có giải pháp thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả nguồn nước; huy động, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả...

     Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị quan trọng này, cho rằng đây là thông điệp mạnh mẽ Việt Nam đưa ra để đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu. Khẳng định Hà Lan cùng các đối tác phát triển sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, Đại sứ khuyến nghị các giải pháp liên quan đến hoàn thiện khung khổ chính sách, kiện toàn về tổ chức, thống nhất về quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm nguồn lực tài chính... trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

An Vi (Theo monre)

Ý kiến của bạn