Banner trang chủ

Hà Nội: Phát động Chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”

16/06/2017

     Hàng năm, vào vụ thu hoạch lúa, tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội xảy ra tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông, đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu và bất thường.

     Các chuyên gia môi trường cảnh báo, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư.

     Không những vậy, việc đốt lượng rơm rạ lớn trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn. Đặc biệt, ở Hà Nội, số tòa nhà cao tầng nhiều hơn so với các địa phương khác, vì vậy, sự lưu thông khí kém hơn, trong khi đó mức độ ô nhiễm không khí lại cao do khí thải độc hại từ động cơ và khu công nghiệp không thoát lên cao mà tập trung dưới mặt đất, dễ gây ra hiện tượng mù quang hóa.

 

Ảnh minh hoạ: IE

 

     Theo kết quả điều tra ban đầu của Sở TN&MT Hà Nội, ước tính hàng năm, trên địa bàn Hà Nội phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp với lượng đốt bỏ ngoài cánh đồng khoảng 352 nghìn tấn/năm (chiếm 33,7%). Riêng hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp của huyện Đan Phượng, phải thải ra ngoài môi trường khoảng 12 nghìn tấn CO­2, 290 tấn CO, 10 tấn CH4, 17 tấn SO2 và 1 tấn N20, (31 tấn bụi PM10, 155 tấn PAHs). 

     Để giải quyết tình trạng này, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với các quận, huyện, thị xã định kỳ trước và trong thời gian thu hoạch lúa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế đốt rơm rạ, nhất là khu vực giáp đường giao thông, khu dân cư thị trấn, thị tứ để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân cũng như các hoạt động trên địa bàn TP.

     Các địa phương hướng dẫn, khuyến khích các hộ dân thực hiện phương pháp cổ truyền, làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường phân mùn cải tạo đất, vận động người dân cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu, nên có một điểm tập kết thuận tiện để xử lý, ủ làm phân hoặc phơi khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò chống rét mùa đông.

     Hiện Sở TN&MT Hà Nội đang phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm, rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hoặc nguyên liệu của các ngành sản xuất khác. Đồng thời nghiên cứu và cung cấp các loại chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thừa sau thu hoạch.

     Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2017, tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp với Hội Nông dân TP phát động Chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ”, nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, đưa ra các phương án hữu ích trong việc tái chế, tái sử dụng rơm rạ đáp ứng hiệu quả kinh tế, BVMT và sức khỏe của người dân, khuyến khích nông dân "nói “không với việc đốt rơm rạ sau mùa gặt. 

     Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, ngay tại Lễ phát động Chiến dịch, chính quyền địa phương cùng khoảng 100 hộ ở xã Thọ Xuân đã tình nguyện ký cam kết tham gia. Bên cạnh đó, nông dân còn được cung cấp và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần tăng chất lượng và mức độ an toàn cho sản phẩm nông sản và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Sau khi tiến hành thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý thay vì đốt rơm rạ tại xã Thọ Xuân, Sở TN&MT Hà Nội tiếp tục đưa Chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” vào thực hiện trên diện rộng, nhằm hướng tới một TP cam kết không đốt rơm rạ gây nguy hại đến sức khỏe, suy giảm chất lượng cuộc sống người dân, trả lại bầu không khí trong lành cho Thủ đô.

 

Bích Hồng (Theo TTXVN)

 

Ý kiến của bạn