27/10/2017
Ngày 26/10/2017, UBND TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) – Văn phòng Việt Nam tổ chức Hội thảo cuối kỳ “Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định” nhằm tổng kết hợp phần thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh của Dự án hợp tác kỹ thuật.
Theo hợp phần thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh, từ năm 2015, JICA đã hợp tác với TP nâng cao nhận thức và năng lực về giám sát phát thải khí nhà kính, đồng thời, thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính của TP trong năm 2013. Kết quả cho thấy, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có nguồn phát thải lớn với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 13% so với cả nước. Dựa trên kinh nghiệm triển khai thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh, JICA đã thực hiện một bản hướng dẫn xây dựng kiểm kê khí nhà kính tổng hợp, qua đó, giúp các tỉnh, TP khác trong cả nước thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ kết quả hướng dẫn thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính do JICA hỗ trợ, Sở đã tham mưu lãnh đạo TP thực hiện kiểm kê khí nhà kính 2 năm 1 lần bắt đầu từ năm 2016. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng.
Đề xuất giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyên gia ngắn hạn của JICA Yoshihiro Mizuno cho rằng, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương có thể thực hiện giảm phát thải khí nhà kính bằng cách giảm điện năng, nhiên liệu sử dụng trong các tòa nhà, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái các tòa nhà cao tầng; sử dụng xe buýt nhanh và đường sắt đô thị. Đối với rác thải, cần thu thập và tận dụng khí tại bãi chôn lấp rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải, thực hiện tái chế chất thải rắn đô thị, thu gom phân gia súc, gia cầm để sản xuất khí sinh học…
Đỗ Hương