13/03/2018
Giao thông vận tải (GTVT) là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính (tác nhân gây nên sự nóng lên toàn cầu), lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà kính thải vào bầu khí quyển hàng năm. Để giảm lượng phát thải này, ngành GTVT đã và đang định hướng phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Mỗi năm phát thải 30 triệu tấn CO2
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển Gao thông Vận tải (Bộ GTVT), trong giai đoạn 2011- 2016, các hoạt động GTVT ở Việt Nam tiêu thụ một lượng lớn năng lượng, chiếm 30% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia, 60% tổng nhiên liệu tiêu thụ và tăng 10% mỗi năm. Trong đó, vận tải đường bộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm khoảng 68% tổng nhiên liệu của ngành; 90% nhiên liệu cho GTVT là xăng và dầu diesel (chỉ 0,3% nhiên liệu sạch). Với việc tiêu thụ số lượng lớn nhiên liệu, các hoạt động GTVT đã phát thải lượng lớn khí nhà kính, làm gia tăng biến đổi khí hậu. Hiện nay, trung bình mỗi năm hoạt động GTVT phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2. Trong đó phát thải giao thông đường bộ chiếm 86%, đường sắt, đường thủy và đường hàng không chiếm 14%.
Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí. Cụ thể, nồng độ bụi trong không khí (quý 2/2016) ở các thành phố như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… tại các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 5 lần; nồng độ khí CO, NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,5 lần.
Thống kê cũng cho thấy, sự phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc nhiều vào chất lượng các loại xe. Đối với ô tô, xe máy qua nhiều năm sử dụng có chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại, bụi trong khí xả cao… là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, xe máy là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm, đặc biệt là khí thải CO. Xe tải và xe khách các loại lại thải nhiều NO2. Ngoài ra, tiếng ồn phát sinh từ các hoạt động giao thông cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc gây ô nhiễm môi trường.
Những giải pháp khả thi
Bà Phạm Thị Huế, Đại học Công nghệ GTVT cho biết: Để giảm tác động xấu của các hoạt động GTVT tới môi trường, Bộ GTVT khuyến khích thực hiện các chương trình, dự án về cải thiện hiệu quả việc sử dụng nhiên liệu phương tiện giao thông. Trong đó, phải kể đến Dự án hệ thống quản lý điều khiển phương tiện sinh thái (EMS) được triển khai tại Hà Nội năm 2017, với các hoạt động: Nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và ý thức điều khiển phương tiện sinh thái cho các lái xe taxi. Đồng thời, một hệ thống quản lý điều khiển phương tiện EMS sẽ được lắp đặt trên các xe taxi để theo dõi, giám sát và đánh giá tính khả thi cũng như hiệu quả giảm khí thải chính xác. Theo kết quả tính toán, trong trường hợp có 1.000 xe taxi tham gia điều khiển phương tiện EMS sẽ giúp tăng 10% hiệu quả sử dụng nhiên liệu, nhờ đó, sẽ giảm khoảng 1.000 tấn CO2/năm.
Ảnh minh hoạ: IE
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang triển khai Dự án nghiên cứu việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ diesel sang khí nén thiên nhiên (CNG) đối với phương tiện cơ giới đường bộ, trước tiên là xe buýt trên cả nước. Hiện Dự án đã được triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, với 50 xe buýt mã số 01 sử dụng nhiên liệu CNG, có lộ trình hoạt động dài gần 9 km, tuyến Bến Thành - Chợ Lớn. Theo nhận xét của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, thời gian hoạt động thử nghiệm xe buýt chạy bằng CNG cho thấy, động cơ vận hành êm, các khí thải độc hại giảm từ 53 - 63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để, đặc biệt là tiết kiệm 30 - 40% nhiên liệu. Dự kiến đến đầu năm 2018, TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư 800 xe buýt sử dụng CNG.
Để đến năm 2020 cả nước sẽ có 5 - 20% số xe buýt và xe taxi sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và năng lượng mặt trời (theo Quyết định số 1456/QĐ-BGTVT về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ GTVT giai đoạn 2016 - 2020), trong thời gian tới, ngành cần triển khai những giải pháp trọng tâm, trọng điểm tiếp theo. Đó là Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Như vậy, vấn đề đặt ra là cần quy hoạch mạng lưới đường ở các khu vực trọng điểm, nhất là các thành phố lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông. Đồng thời, chú trọng lồng ghép công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển GTVT. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế, chính sách, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng.
Thực hiện chương trình kiểm tra phát thải các phương tiện giao thông với việc tăng cường các trạm và tuần tra, kiểm soát trên đường để bảo đảm xe máy trong quá trình sử dụng luôn được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra đúng thời hạn về tiêu chuẩn khí thải khi tham gia giao thông đường bộ. Xe thuộc phạm vi, đối tượng quy định nhưng không thực hiện kiểm tra khí thải, không có giấy chứng nhận sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh để giảm phát thải khí nhà kính trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, phải rà soát, từng bước loại bỏ công nghệ, phương tiện, thiết bị kém hiệu quả, không thân thiện với môi trường. Tổ chức thí điểm và triển khai nhân rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu hao năng lượng (pin năng lượng mặt trời, đèn led...) vào các hạng mục chiếu sáng, báo hiệu giao thông.
Ngành GTVT cũng cần ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT. Phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, như hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch...
Trung Thảo (Theo TTXVN)