Banner trang chủ

Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2017, lần thứ II: Cơ hội để doanh nghiệp thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh

14/07/2017

   Tiếp nối thành công “Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp (DN) bền vững tại Việt Nam 2016" lần thứ I, Lễ công bố các DN phát triển bền vững (PTBV) 2017, lần thứ II sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay. Đây là Chương trình được tổ chức thường niên, nhằm vinh danh các DN đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực PTBV. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) về những điểm mới của Chương trình năm nay.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban thường trực,
Phó Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD

   Sau một năm triển khai “Chương trình đánh giá, xếp hạng các DN bền vững tại Việt Nam 2016" lần thứ I, VCCI đã có những đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động kinh doanh và những đóng góp của DN vì sự PTBV?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Hiện nay, các DN rất quan tâm đến vấn đề PTBV, đưa PTBV lên tầm chiến lược kinh doanh và trọng tâm quản trị DN. Nhiều DN có tầm nhìn xa, biết nắm bắt xu thế phát triển và có những đóng góp không nhỏ trong việc hiện thực hóa các mục tiêu PTBV, tiêu biểu như Tập đoàn Bảo Việt, Vingroup, Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam...

   Là một trong những DN có nhiều hoạt động tích cực vì sự PTBV, Bảo Việt vừa qua đã tiên phong áp dụng tiêu chuẩn Báo cáo PTBV theo Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI). Bảo Việt đã soạn thảo phiên bản tiếng Việt của GRI để góp phần đem tới một phiên bản gần gũi, thiết thực với DN Việt Nam. Không chỉ có những đóng góp thiết thực như vậy, những con số như tăng trưởng doanh thu kỷ lục 27,5% trong quý 1/2017, lọt Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, dẫn đầu ngành bảo hiểm 5 năm liên tiếp là những minh chứng sống động cho kết quả hoạt động kinh doanh của một DN theo đuổi con đường PTBV.

   Những điểm mới của Chương trình năm 2017, lần thứ II là gì, thưa ông?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Có thể nói, Chương trình lần thứ I năm 2016 đã rất thành công, với sự quan tâm, ủng hộ lớn lao từ Chính phủ, Hội đồng quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh, các Bộ, ngành, đối tác trong và ngoài nước, cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng DN Việt Nam. Khoảng 400 DN trong cả lĩnh vực thương mại và sản xuất đã tham gia Chương trình và kết quả có 100 DN xuất sắc được vinh danh DN bền vững Việt Nam.

   Đây chính là nền móng để đưa hoạt động này trở thành thường niên, uy tín dành cho cộng đồng DN. Một số điểm mới trong Chương trình năm 2017 là Bộ chỉ số về PTBV (CSI) năm 2017 đã được Ban Soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa theo hướng dễ hiểu hơn, nhằm thu hút nhiều hơn DN vừa và nhỏ tham gia, bởi 98% DN hoạt động tại Việt Nam thuộc nhóm này. Bên cạnh yếu tố dễ hiểu, thân thuộc với người dùng, các tiêu chí trong Bộ CSI cũng được điều chỉnh để DN có thể tự đánh giá, đồng thời, giúp các chuyên gia đánh giá chính xác mức độ PTBV của các DN gồm: Việc cập nhật các thông lệ, quy định ở trong nước và quốc tế, bổ sung các tiêu chí mới như nền kinh tế tuần hoàn, trao quyền, tôn trọng quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh.

   Nếu năm 2016, các DN chỉ có thể nộp hồ sơ bản cứng thì năm 2017, Ban Tổ chức đã xây dựng thêm phần mềm nộp hồ sơ trực tuyến để giúp giảm bớt thời gian và chi phí chuẩn bị hồ sơ của DN. Đồng thời, bộ hồ sơ trực tuyến cũng giống như một công cụ mà DN có thể lưu trữ để theo dõi sự thay đổi, các tiến bộ trong hoạt động của mình qua từng năm.

   Thưa ông, hình thức, cũng như cách thức để DN tham gia Chương trình và hỗ trợ DN sau Chương trình là gì?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Tất cả các DN, cơ sở kinh doanh trên cả nước hoạt động hợp pháp, có hiệu quả kinh tế và tự nguyện đăng ký đều có thể tham gia Chương trình. Tiếp theo Lễ phát động Chương trình được tổ chức vào tháng 4, vào đầu tháng 7, VBCSD sẽ phối hợp với Công ty TNHH Deloitte Việt Nam triển khai các khóa tập huấn ngắn hạn để DN có thể hiểu rõ hơn vai trò của quản trị Công ty trong việc thực hiện PTBV, cũng như Bộ chỉ số CSI, qua đó giúp DN đưa ra những đánh giá chính xác hơn về các hoạt động liên quan đến PTBV của DN mình.

   Theo đó, bộ hồ sơ tham dự Chương trình đầy đủ gồm: Đơn đăng ký tham gia, Bộ chỉ số CSI đánh giá bởi DN, các tài liệu, thông tin, hình ảnh liên quan để bổ sung thông tin cần thiết. Như đã nói ở trên, DN có thể lựa chọn nộp hồ sơ bản cứng hoặc nộp trực tuyến, gửi về cho Ban Tổ chức trước ngày 30/9/2017. Sau Chương trình, các DN có thể kết nối với nhau, qua đó tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh mới. Đồng thời, DN có thể nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn của Chương trình về PTBV.

Lễ Công bố Bảng xếp hạng 100 DN PTBV Việt Nam 2016

   Có ý kiến cho rằng, trong Chương trình lần thứ I, số DN thuộc khối Nhà nước tham gia rất ít, vậy làm sao để khuyến khích tất cả các loại hình DN tham gia Chương trình?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, PTBV không còn là một thuật ngữ, mà trở thành một xu thế tất yếu, yêu cầu cấp bách đối với toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hơn vào các hiệp định thương mại toàn cầu và khu vực, việc nâng cao năng lực quản trị DN, năng lực cạnh tranh để nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới và bắt kịp xu hướng tất yếu của PTBV là yếu tố sống còn.

   Để PTBV, DN không bắt buộc phải tham gia Chương trình này. Tuy nhiên, việc tham gia Chương trình mang lại nhiều lợi ích to lớn cho DN. Hiện nay, số DN nhận thức về PTBV vẫn còn hạn chế, thường chỉ là những DN, tập đoàn lớn và tập đoàn đa quốc gia. Với những DN vừa và nhỏ khi tham gia Chương trình, thông qua việc tự đánh giá dựa trên các tiêu chí trong Bộ chỉ số CSI, giúp họ đánh giá được tình hình thực tại của DN, phát hiện những rủi ro tiềm tàng, hay nắm bắt kịp thời những cơ hội phát triển mới. Nếu được vinh danh trong Chương trình, đó sẽ là một sự ghi nhận to lớn của Chính phủ, gia tăng uy tín của DN trong con mắt của các nhà đầu tư và các bên liên quan, đồng thời giúp DN thu hút đầu tư tốt hơn và có được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh hơn.

   Bộ Chỉ số CSI do VCCI xây dựng có gì khác so với các Bộ chỉ số của các nước trên thế giới? Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của thế giới khi xây dựng Bộ chỉ số CSI?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: CSI là Bộ chỉ số đầu tiên được xây dựng và thiết kế dành riêng cho DN Việt Nam. Điều này có nghĩa là những tiêu chí trong Bộ chỉ số không chỉ được xây dựng dựa trên việc tham khảo các thông lệ quốc tế mà còn được Ban Soạn thảo, gồm các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực ở trong nước, quốc tế nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội và đặc thù DN Việt Nam.

   Hiện nay, trên thế giới, có 2 bộ tiêu chuẩn uy tín được nhiều tổ chức, DN sử dụng, đó là tiêu chuẩn GRI (Global Reporting Initiative) trong lập Báo cáo PTBV và chuẩn mực quốc tế IIRC (International Integrated Reporting Council) trong Báo cáo tích hợp.

   Để thúc đẩy, khuyến khích DN vì sự PTBV, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ gì, thưa ông?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Một cộng đồng DN PTBV là câu chuyện cần được quan tâm cả từ hai phía Chính phủ và DN. Một mặt, các cơ quan Chính phủ và VCCI đang rất nỗ lực triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tạo ra một hệ sinh thái môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi hơn cho DN. Bên cạnh đó, những hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức của DN cũng thường xuyên được VCCI, VBCSD triển khai, nhằm mang đến những thông tin hữu ích về PTBV, các thông lệ PTBV tốt của thế giới, cũng như những mô hình kinh doanh mới như nền kinh tế tuần hoàn, kinh doanh cùng người thu nhập thấp.

   Mặt khác, bản thân nội tại của DN cũng cần tìm hiểu, có ý thức tự nâng cao năng lực quản trị, thay đổi tư duy kinh doanh chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế, xem nhẹ khía cạnh môi trường, xã hội, con người. DN cần hiểu rằng, PTBV không phải là một khái niệm xa vời, đó chính là “chiếc kén” tạo ra uy tín, cơ hội và lợi nhuận lâu dài của DN. Theo nghiên cứu của Ủy ban Kinh doanh và PTBV (Business & Sustainable Development Commission), nếu đặt PTBV nằm trong chiến lược cốt lõi của DN, việc hoàn thành 17 Mục tiêu PTBV (SDGs) có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD chỉ trong 4 lĩnh vực được khảo sát, gồm: Lương thực và nông nghiệp; đô thị; năng lượng và vật liệu; y tế và sức khỏe. Nếu xét trên tất cả các lĩnh vực, tiềm năng kinh tế mà PTBV mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều con số 12 nghìn tỷ USD trên.

   Khi DN có thể lựa chọn con đường PTBV, đặt lợi ích lâu dài về kinh tế, môi trường, xã hội lên trên những cái được trước mắt mà gây tổn hại trong tương lai, đó là lúc DN tự xây cho mình những bước đi vững chắc cho sự phát triển của mình, cũng như đủ năng lực để vươn tầm ra khu vực và thế giới.

   Xin cảm ơn ông.

Phạm Đình (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn