06/12/2017
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã mở rộng nền kinh tế nhanh chóng với những nỗ lực trong việc khởi động và phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ).
Vào năm 1979, Trung Quốc thực thi chính sách cải cách và mở cửa. Theo đó, các SEZ được hình thành với vai trò là công cụ chính để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế toàn diện. Ban đầu, các SEZ được thành lập tại 4 TP ven biển và nhanh chóng thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thương mại và phát triển công nghiệp. Từ đó, các SEZ nhỏ, các SEZ cấp quốc gia hay các biến thể của SEZ được thành lập trên khắp đất nước, đưa Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một đặc khu kinh tế xanh tại TP. Quảng Châu, Trung Quốc |
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại các TP công nghiệp. Điều này tạo áp lực lớn đối với Chính phủ Trung Quốc trong việc đưa ra các giải pháp toàn diện, đặc biệt là các chính sách phát triển nền kinh tế xanh và hạn chế tác động tới môi trường. Thêm vào đó, sự cạnh tranh lớn về nguồn lực, cũng như giá cả của các sản phẩm trên thị trường quốc tế là động lực để ngành công nghiệp Trung Quốc phải áp dụng các công nghệ sản xuất bền vững. Với quyết tâm đó, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các chương trình kích thích, chuyển đổi xanh cho ngành công nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Đầu tiên là Chương trình Khu công nghiệp sinh thái, được khởi xướng vào năm 2003 nhằm thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình "tiết kiệm tài nguyên" và "sản xuất sạch", hay xây dựng các khu công nghiệp mới dựa trên sự "cộng sinh công nghiệp" và nguyên tắc sản xuất sạch.
Trên nền tảng đó, mô hình Khu công nghiệp "kinh tế tuần hoàn" (CEDIP) được Chính phủ giới thiệu vào năm 2005, dựa trên nguyên tắc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3R) và giảm phát thải. Theo đó, mô hình "kinh tế tuần hoàn" chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Đây là cơ sở để Trung Quốc tiếp cận nền "kinh tế tuần hoàn" song song với việc thúc đẩy phát triển bền vững đô thị xung quanh các SEZ; đồng thời, cũng là nội dung chính trong Chiến lược phát triển trung hạn của Trung Quốc giai đoạn 2006 - 2010 (Kế hoạch 5 năm lần thứ 11)
Đến năm 2012, CEDIP đã được áp dụng đồng loạt trên hầu hết các khu công nghiệp theo Chương trình Chuyển đổi tuần hoàn các khu công nghiệp (CTIP), nhằm hướng tới Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc không chỉ chú trọng vào phát triển khu công nghiệp bền vững mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như năng lượng mới, công nghệ sạch và công nghệ thông tin.
Cùng với CTIP, vào năm 2013, Chính phủ đã phát động Chương trình Khu công nghiệp phát thải các bon thấp (LCIP) nhằm hướng tới mục tiêu Hiến pháp mới của Trung Quốc là "nền văn minh sinh thái". Chương trình nhấn mạnh việc kiểm soát và định lượng phát thải các bon và phát triển cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghiệp.
Nhờ vào sự thúc đẩy mạnh mẽ của cấp Trung ương, các chương trình đều đạt được thành công nhất định. Nội dung "kinh tế tuần hoàn" và chuyển đổi công nghiệp xanh được đề cập ở Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 đã thể hiện rõ vai trò, cũng như sự quản lý sát sao của các cấp chính quyền. Các thông điệp nhất quán tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận các chương trình, cũng như sự tham gia tự nguyện của các chính quyền địa phương. Chính phủ cũng cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng tham gia thành công.
Việc tham gia vào các chương trình phát triển bền vững làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Tính đến năm 2013, khoảng 13% trong tổng số 1.568 SEZs (cấp quốc gia và cấp tỉnh) tham gia vào 1 trong 3 Chương trình, trong số đó, 33 SEZs tham gia vào ít nhất 2 Chương trình. Nhờ đó, môi trường xung quanh các SEZs được cải thiện đáng kể, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và người dân yên tâm sinh sống.
Thay vì chỉ tập trung vào trợ cấp tài chính hay giảm thuế, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách hợp lý, đồng thời, xây dựng cơ chế thị trường phù hợp. Chính phủ cũng phê duyệt Dự án Lưu trữ hồ sơ môi trường, coi đó là một trong những tiêu chí chính để doanh nghiệp có thể nhận được ưu đãi tài chính và nâng cao giá trị sản phẩm. Mặt khác, Chính phủ cũng tập trung triển khai Cơ chế phát triển sạch theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, hoàn thiện các tiêu chuẩn đánh giá và các chỉ tiêu giám sát nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, giúp nhà quản lý xét duyệt nhanh chóng và công bằng trước khi cấp chứng nhận hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh những thành công, Chương trình phát triển các SEZ tại Trung Quốc vẫn còn tồn tại một số thách thức, nổi cộm là yêu cầu chồng chéo giữa 3 chương trình phát triển SEZ và sự thiếu rõ ràng trong cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, năng lực của chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát phát thải khí nhà kính cũng cần phải cải thiện, để những nỗ lực xanh hóa nền công nghiệp thực sự có ý nghĩa đối với Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu của Trung Quốc.
Lưu Trang (Theo GGKP)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017