Banner trang chủ

Cộng đồng APEC ưu tiên phát triển bền vững nghề cá gắn với bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu

07/03/2017

     Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất diễn ra tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngày 25/2/2017, nhóm công tác về nghề cá và đại dương đã có cuộc họp chuẩn bị cho các nội dung về nghề cá và đại dương trong năm APEC Việt Nam 2017 với sự tham gia của gần 100 đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên khu vực APEC.

     Hiện nay, các thành viên khu vực APEC đóng góp trên 80% sản lượng nuôi trồng thủy sản và hơn 65% sản lượng khai thác toàn cầu. Mức tiêu dùng hải sản của APEC cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới. Do vậy, việc tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng và giảm tổn thất sau thu hoạch cũng là một thách thức đối với khu vực.

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

     Tuy nhiên, nghề cá của APEC hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do thời tiết ngày càng cực đoan, biến đổi khí hậu (BĐKH). Nghề cá của Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế thành viên thuộc khối ASEAN, Mỹ - La tinh đều có điểm chung là quy mô nhỏ, gắn với sinh kế của cộng đồng cư dân nghèo ven biển.

     Đây chính là cộng đồng dễ bị tổn thương do BĐKH. Vì vậy, cuộc họp của Nhóm công tác về Đại dương và Thủy sản sẽ ưu tiên thảo luận các vấn đề được nhiều nền kinh tế thành viên cùng quan tâm như: Tìm giải pháp đảm bảo sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ở Châu Á- Thái Bình Dương; Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển, tăng cường khả năng thích ứng, chống chọi của cộng đồng dân cư ven biển về các thiên tai trong điều kiện diễn biến phức tạp của tự nhiên; Xác định các sáng kiến để triển khai tuyên bố về An ninh lương thực, đóng góp vào diễn đàn về an ninh lương thực sẽ diễn ra trong năm nay tại TP. Cần Thơ, Việt Nam.

     Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, cuộc họp là dịp để đánh giá, rà soát lại các cam kết, từ đó đề ra kế hoạch trong năm 2017 của nhóm. “Có rất nhiều vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận cùng nỗ lực chung để chống lại BĐKH, chia sẻ thông tin, hợp tác, nhằm tìm ra những phương thức nhanh nhất, tốt nhất để ứng phó đối với BĐKH của các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, nghiên cứu cách thức tổ chức phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, BVMT và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ biển.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn