Banner trang chủ

Công trình xanh: Chi phí đầu tư lớn nhưng lợi ích lâu dài

21/11/2017

     Công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo tái sử dụng đều đạt được các tiêu chí: Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu nhỏ nhất các tác động đến môi trường xung quanh và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan và sinh thái tự nhiên, tạo điều kiện sống tốt nhất cho con người.


     Theo các nghiên cứu trên thế giới, các công trình xây dựng đóng góp tới 1/3 tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, 40% tổng sử dụng năng lượng và 25% tổng tiêu thụ nước, trong khi đó với trình độ công nghệ hiện tại, các công trình có thể nâng khả năng tiết kiệm năng lượng lên từ 30 - 80%.
     Yêu cầu xây dựng các công trình xanh, thân thiện với môi trường được đặt ra ngày càng cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tiềm năng cải thiện môi trường của các công trình xanh rất lớn, nhưng các chủ đầu tư thường ít quan tâm tới các vấn đề vĩ mô mà chú trọng hơn vào các lợi ích kinh tế mà các công trình xanh mang lại.
     Tuy nhiên, ngoài các lợi ích kinh tế trực tiếp, cân đong đo đếm được như việc công trình xanh có thể giảm chi phí vận hành công trình trong suốt vòng đời 50 - 70 năm, còn nhiều lợi ích khó đong đếm được như chi phí lao động. Tại Mỹ và các nước phát triển, đã có nhiều số liệu chứng minh mối quan hệ giữa công trình xanh và năng suất lao động cao ghi nhận ở người sử dụng công trình. Nhân viên làm việc tại đây có tỷ lệ nghỉ ốm thấp hơn, do đó chi phí lao động của công ty cũng thấp hơn.
     Mặt khác, theo các chuyên gia, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải các bon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Do đó, đây là xu hướng cần được nhân rộng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Hiện nay có nhiều bộ tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận công trình xanh của các tổ chức uy tín trên thế giới. Các chủ đầu tư có thể dựa vào điều kiện thực tế của dự án mình để chọn bộ tiêu chí phù hợp.
     Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá, Công trình xanh là hiện hữu và hoàn toàn có thể làm được. Ở đây, vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là rất quan trọng trong việc liên kết, động viên, hướng dẫn các chủ đầu tư, hội viên đi theo xu hướng công trình xanh.
     Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 115 công trình đăng ký cấp chứng nhận công trình xanh với các hệ thống đánh giá khác nhau, nhưng so với con số 3.000 công trình xanh của Singapo thì còn ít.

Bùi Hằng (Theo TTXVN)

 

Ý kiến của bạn