Banner trang chủ

Công trình xanh - xu hướng phát triển tất yếu trong ngành xây dựng

09/06/2017

     Hiện nay, việc phát triển công trình xanh (CTX) ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu và chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả. Vì vậy, trong 5 năm tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ kiến nghị xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và vận động các nhà phát triển bất động sản tham gia tích cực vào công cuộc phát triển CTX của quốc gia, một xu hướng đang được coi là tất yếu trong ngành xây dựng.

     Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý CTX, thuộc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), trong 10 năm qua, tăng trưởng xây dựng bình quân tại Việt Nam đạt 12% và tốc độ đô thị hóa là 3,4%/năm. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trong đó năng lượng điện chiếm 33%, góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính và chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Giá trị xây dựng được dự báo sẽ đạt mức 14 tỷ USD vào năm 2021, trong đó gia tăng phân khúc nhà ở mật độ xây dựng cao thì Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tổn thất về sinh thái nếu không có biện pháp thúc đẩy công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả.

     Với tổng cộng 61 CTX đến thời điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhận xét, đây là con số quá khiêm tốn so với tốc độ phát triển của các công trình xây dựng tại Việt Nam. Phong trào phát triển CTX ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.



Ecopark, một dự án “xanh” được đánh giá cao (Ảnh: Hải Anh)

 

     Trong khi nó có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển CTX mang lại nhiều giá trị gia tăng, tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS.

     Lý giải về sự "khiêm tốn" này, ông Trịnh Tùng Bách, Quản lý phát triển CTX của Tập đoàn Capital House cho rằng, trở ngại hiện nay là phần lớn chủ đầu tư và người mua nhà chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của CTX. Nhiều chủ đầu tư còn nghĩ, làm CTX sẽ tăng chi phí thêm từ 10 - 20%. Nhưng thực tế, tại các dự án của Capital House, nhờ ứng dụng công nghệ, chủ đầu tư đã giúp cư dân tiết kiệm hóa đơn điện, nước đến gần 30%. Điều đó cho thấy, phát triển CTX là xu hướng tất yếu mà kết quả lớn nhất là tiết kiệm tài nguyên cho thế hệ tương lai.

     Tại Hội thảo khởi động "Chương trình phát triển CTX tại Việt Nam" do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, dù có phản ứng chậm hơn thế giới nhưng trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, mà điển hình là việc ban hành "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu" năm 2011 và "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh" năm 2012.

     Cụ thể hóa các chiến lược này, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; trong đó, thu hút các doanh nghiệp BĐS phát triển các CTX trên phạm vi toàn quốc, tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS "xanh" của Việt Nam.

     Ông Nam cho biết, trong 5 năm đầu tiên (2017 - 2022), "Chương trình phát triển CTX tại Việt Nam" sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng điểm là: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng các kiến nghị với Chính phủ nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, bộ tiêu chí - tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thiết thực, hiệu quả, khoa học để thúc đẩy phong trào phát triển CTX tại Việt Nam nhanh và bền vững; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức và nhận thức về CTX cho các nhà phát triển BĐS; Vận động các nhà phát triển BĐS tham gia tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển CTX của quốc gia.

     Để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Phúc Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư CTX, xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, đơn giá thiết kế và xây dựng. Hơn nữa, cần sự thấu hiểu và đồng hành của các đơn vị truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về CTX, BVMT và chú trọng phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.

     Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Capital House, Viglacera, CEO Group, Alphanam, Phúc Khang... đã ký giao ước hưởng ứng "Chương trình phát triển CTX tại Việt Nam" trong 5 năm tới. Trong đó, Capital House là đơn vị tiên phong và cam kết tài trợ 1 triệu USD cho chương trình.

     CTX là công trình giảm tối đa các tác động xấu tới môi trường tự nhiên và sức khỏe con người thông qua việc sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường...


Hồng Nhung (Theo báo Hà Nội mới)

 

Ý kiến của bạn