12/07/2017
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 2/12/2016 là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao đối với nhiều lĩnh vực. Khác với các FTA thế hệ cũ, Hiệp định EVFTA không chỉ giới hạn ở thương mại và dịch vụ mà còn có một chương về thương mại và phát triển bền vững.
Chương 15 của Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên chia sẻ thông tin về quản lý việc khai thác và sử dụng bền vững sản phẩm gỗ tròn |
Hiệp định EVFTA gồm 20 chương, với các nội dung chính gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); đầu tư, phòng vệ thương mại; cạnh tranh, sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý); phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực. Trong đó, Chương 15 - Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA cam kết nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững có mục tiêu thúc đẩy sự tương hỗ lẫn nhau giữa các chính sách về thương mại và môi trường, tăng cường BVMT ở mức độ cao, thông qua thực thi hiệu quả luật pháp trong nước về BVMT. Đồng thời, cam kết về phát triển bền vững còn hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực của các bên để giải quyết vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại.
Chương Thương mại và phát triển bền vững bao gồm 17 Điều, chia thành 5 nhóm nội dung chính: Chính sách và các quy định pháp luật môi trường trong nước; Cam kết quốc tế về môi trường; Công khai, minh bạch; Nghĩa vụ đối với một số lĩnh vực cụ thể về môi trường; Cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp. Trong đó, nhóm chính sách và các quy định pháp luật môi trường trong nước bao gồm các nghĩa vụ: Đảm bảo đầy đủ luật pháp và chính sách môi trường, khuyến khích việc BVMT ở mức cao và tiếp tục nâng cao các mức độ BVMT; thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật về môi trường của mình mà không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các bên; không được làm giảm giảm hiệu lực pháp lý của các đạo luật và quy định môi trường của mình nhằm khuyến khích thương mại hay đầu tư giữa các bên. Cụ thể, các nước thành viên cần đảm bảo thiết lập và duy trì hệ thống pháp luật, các quy định liên quan về BVMT đầy đủ theo tiêu chuẩn cao và không làm giảm/suy yếu hiệu lực của pháp luật nhằm khuyến khích thương mại, đầu tư.
Các nghĩa vụ thực thi hiệu quả các cam kết liên quan đến môi trường trong Hiệp định đa phương liên quan đến môi trường (MEAs) mà các quốc gia là thành viên được quy định trong nhóm cam kết quốc tế về môi trường. Đồng thời, nội dung này bao gồm cả trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan đến việc thực thi và những sửa đổi về các chính sách trong nước liên quan đến các MEAs.
Mặt khác, nội dung công khai, minh bạch nằm phân tán trong các Điều khoản của Chương, với các nội dung gồm: Đảm bảo công khai, minh bạch quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, các biện pháp liên quan đến BVMT có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư; Việc xây dựng pháp luật, các biện pháp BVMT cần phải được thông báo trước và cho phép các bên liên quan được tham gia đóng góp ý kiến; Đối thoại, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về MEAs, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học (ĐDSH), lâm nghiệp (gỗ, các sản phẩm từ gỗ), thủy sản và tài nguyên biển; Đảm bảo sử dụng một cách thích hợp các thông tin và bằng chứng khoa học, các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng và thực thi các biện pháp BVMT.
Bên cạnh đó, Chương 15 quy định nghĩa vụ đối với một số lĩnh vực cụ thể về môi trường. Trong đó, các nghĩa vụ liên quan đến biến đổi khí hậu không mang tính ràng buộc cao mà tái khẳng định các cam kết nhằm thực thi Công ước khí hậu UNFCCC và Nghị định thư Kyoto. Đồng thời, đối thoại và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan đến các chính sách và biện pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể là thông tin, kinh nghiệm về định giá phát thải, thương mại phát thải (ETS), giảm phát thải từ việc chống mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo.
Nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả Công ước ĐDSH (CBD), Chương 15 đề cập đến các nghĩa vụ liên quan đến ĐDSH. Cụ thể là nghĩa vụ liên quan đến tiếp cận nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn gen và tăng cường việc chia sẻ công bằng lợi ích có được từ việc tiếp cận, sử dụng nguồn gen, chia sẻ thông tin liên quan đến các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình hành động về các hoạt động bảo tồn đa đạng sinh học nói chung và nguồn gen nói riêng, hợp tác thực thi hiệu quả các nghĩa vụ, cam kết trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Đồng thời, nhóm quy định các nghĩa vụ liên quan đến thương mại và lâm nghiệp hướng tới đảm bảo việc khai thác, thương mại bền vững rừng, các sản phẩm từ rừng, trong đó bao gồm cả việc tuân thủ Hiệp định đối tác thực thi Luật tuân thủ quản trị và thương mại về lâm nghiệp (FLEGT); chia sẻ thông tin về quản lý việc khai thác và sử dụng bền vững sản phẩm gỗ tròn; bảo tồn và chống khai thác lâm nghiệp bất hợp pháp; hợp tác khu vực và toàn cầu về bảo tồn, quản lý lâm nghiệp bền vững.
Cùng với đó, Chương 15 cũng quy định các nghĩa vụ liên quan đến tài nguyên biển, thủy sản nhằm đảm bảo việc bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái biển; thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản bền vững; tuân thủ các nghĩa vụ trong các khuôn khổ quốc tế về biển và đại dương như Công ước Luật biển (UNCLOS), Công ước về bảo tồn và quản lý các đàn cá di cư, Công ước của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) liên quan đến tàu đánh bắt và các biện pháp cảng biển nhằm ngăn ngừa đánh bắt bất hợp pháp (IUU), Bộ Quy tắc về trách nhiệm khi đánh bắt hải sản của FAO; tham gia hợp tác với các tổ chức nghề cá của khu vực trong các hoạt động liên quan đến bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển nói chung, nguồn lợi thủy, hải sản nói riêng; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các biện pháp quản lý bền vững nguồn tài nguyên biển và nguồn lợi hải sản.
Hội thảo Đánh giá tác động của các cam kết lao động trong Chương phát triển bền vững của EVFTA |
Ngoài ra, Chương phát triển bền vững cũng đặt ra các nghĩa vụ cụ thể liên quan đến nội dung hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGS), các cơ chế, sáng kiến tự nguyện về BVMT, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Tuy nhiên, các nghĩa vụ liên quan đến những nội dung này không có tính ràng buộc cao, chủ yếu là nâng cao nhận thức, khuyến khích và khuyến nghị các bên áp dụng.
Đối với các vấn đề tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường phát sinh trong quá trình thực hiện, Chương Phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA chỉ thiết lập cơ chế tham vấn ở cấp chính phủ và giải quyết tranh chấp thông qua Ban chuyên gia gồm 3 thành viên. Quy trình giải quyết tranh chấp thông qua các bước sau: Tham vấn cấp chính phủ giữa hai hay nhiều thành viên nếu có tranh chấp phát sinh. Bên yêu cầu tham vấn có thể đề nghị Tiểu ban Thương mại và Phát triển bền vững họp để tìm giải pháp; Thành lập Ban chuyên gia để giải quyết vấn đề phát sinh (nếu việc tham vấn chính phủ không thành công); Ban chuyên gia xác định các vấn đề và đưa ra các quyết định về biện pháp giải quyết tranh chấp.
Có thể thấy, các nhóm cam kết và nghĩa vụ về môi trường của Hiệp định EVFTA đều nhằm mục đích đảm bảo việc tự do hóa thương mại, sẽ không làm ảnh hưởng đến BVMT và tăng cường các biện pháp thương mại, ủng hộ việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường.
TS. Nguyễn Hải Yến, ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương
Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường
ThS. Hoàng Xuân Huy
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017