Banner trang chủ

Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chương trình hành động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

13/04/2017

     Hiện nay, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đang dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

     Theo Chỉ thị, Bộ TN&MT có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ như hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ đối với việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt nội dung về đánh giá tác động đến đa dạng sinh học đối với các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, dự án cải tạo rừng tự nhiên và các dự án chuyển đổi rừng sang các mục đích khác theo các quy định hiện hành...

     Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng có trách nhiệm tăng cường tranh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo vệ rừng; nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất sửa đổi thống nhất Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản và Luật Đa dạng sinh học; nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT và đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng; thúc đẩy việc gia nhập Diễn đàn khoa học - chính sách Liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) nhằm mở rộng hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có hệ sinh thái rừng…

     Trên cơ sở đó, Tổng cục Môi trường đã dự thảo Chương trình hành động của Bộ TN&MT thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Dự thảo Chương trình bao gồm một số nhiệm vụ chính như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi thống nhất Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản và Luật Đa dạng sinh học; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp BVMT nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo vệ rừng; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường năng lực; điều tra, đánh giá hiện trạng rừng tại các vùng đất ngập nước của Việt Nam nhằm duy trì, bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững về đa dạng sinh học; tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phục vụ quản lý đa dạng sinh học...

 

Giáng Hương

Ý kiến của bạn